00:00 Số lượt truy cập: 3228719

Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa 

Được đăng : 03/11/2016
Những ngày gần đây, thời tiết ở Hà Nội đang giao mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thay đổi nhiều, dễ tạo ra các bệnh đường hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó là các bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da...luôn đứng hàng đầu trong các loại bệnh.


Do sức đề kháng của trẻ em yếu, khả năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết khi nhiệt độ chênh lệch quá lớn giữa đêm và ngày kém nên các bệnh viêm đường hô hấp như: viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản... có cơ hội bùng phát. Theo nhận định của các bác sĩ tại phòng khám của Bệnh viện Nhi T.Ư, khi trẻ đến đây bệnh đã tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao, khó thở, thở khò khè, vì thế số trẻ phải nhập viện điều trị rất lớn. Một điều đáng ngại nữa là trẻ bệnh nặng phải dùng thuốc kháng sinh liều cao, chủ yếu là tiêm truyền.

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em hiện cũng đang là gánh nặng cho các cơ sở y tế. Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi T.Ư có từ 30-35 trẻ bị tiêu chảy cấp vào cấp cứu. Có nhiều gia đình có cả 2 con cùng bị tiêu chảy phải vào viện. Hầu hết trẻ vào viện đều trong tình trạng tiêu chảy kéo dài từ 10-14 ngày. Trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, một số bệnh dịch khác cũng đang đe dọa sức khỏe của trẻ như sốt xuất huyết, viêm da, hen phế quản... Số trẻ mắc những bệnh này cũng đều tăng trong thời gian này. Bệnh giời leo (viêm da do tiếp xúc với côn trùng) cũng đang là vấn nạn. Phòng khám của Bệnh viện Da liễu T.Ư mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đến khám với cùng các triệu chứng: Da mẩn đỏ, ngứa, vết ngứa lan rộng...

Theo BS. Nguyễn Thành - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu T.Ư, bệnh bùng phát bởi dịch của các loại côn trùng thường xuất hiện vào mùa gặt, dính vào người sẽ gây viêm da, có thể là một vết, cũng có khi là cả mảng to. BS. Thành khuyến cáo, bệnh này không khó chữa nhưng hiện nay nhiều người tự chữa bằng cách nhai gạo sống, đậu xanh sống đắp vào vết thương đã gây nhiễm trùng.

Theo BS. Nguyễn Văn Lộc - Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ các tác nhân gây bệnh đường hô hấp rất nhiều, phần lớn là do virus. Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, một loại siêu vi khuẩn là Rotavirus rất phát triển. Virus này thâm nhập vào cơ thể sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ em. Đây là một loại virus rất nguy hiểm có khả năng bít chặt các phế quản nhỏ của trẻ khiến trẻ suy hô hấp và tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ khi thời tiết giao mùa là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, vệ sinh sạch sẽ, mặc ấm khi trời lạnh, đeo khẩu trang khi ra đường, đồng thời tránh cho trẻ đến nơi đông đúc, chật chội như chợ, tránh cho trẻ tiếp xúc người bị bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu lừ đừ, bỏ ăn, khó thở, thở nhanh và tím tái nên đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ngoài những yếu tố khởi phát như lông chó mèo, phấn hoa, khói thuốc lá, bụi bặm, thức ăn mất vệ sinh… thì sự thay đổi thời tiết và những bệnh cảm cúm cũng là nguyên nhân gây bệnh suyễn hay còn gọi là hen phế quản một cách phổ biến. Bệnh không lây lan nhưng làm cho trẻ hắt hơi, sổ mũi, nổi mề đay sau đó trẻ bắt đầu ho, khò khè, khó thở.