00:00 Số lượt truy cập: 3228164

Rau an toàn cho Hà Nội: Nỗi lo không của riêng ai? 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện có ít nhất 60% lượng rau tràn vào thị trường Hà Nội hằng ngày vẫn chưa thể kiểm soát được có an toàn hay không? Thông tin này khiến nhiều người giật mình và lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra nếu thường xuyên sử dụng rau không an toàn. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn về vấn đề này, ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết:

Hà Nội hiện có 8.000ha rau xanh, trong đó 5.600ha sản xuất theo quy trình rau an toàn (RAT), chiếm gần 70%. Song dù Hà Nội có cố gắng mở rộng đến 100% diện tích RAT thì sản lượng 150 ngàn tấn /năm cũng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ của người Hà Nội. Điều đáng lo ngại nhất là còn tới 60% lượng rau đưa vào Hà Nội từ vành đai 5 tỉnh xung quanh hiện chưa ai dám chắc có an toàn hay không? Theo kết quả đi tìm hiểu mới đây của Sở Nông nghiệp - PTNT Hà Nội, Vĩnh Phúc trồng 10.000ha rau nhưng mới có 4-5% sản xuất theo quy trình RAT. Hà Tây có 20.000ha rau thì chỉ 4% (800ha) là RAT. Hải Dương có 31.000ha, trong đó RAT chỉ chiếm chưa tới 1% (300ha). Rau ở 2 tỉnh còn lại là Hưng Yên (12.500ha) và Bắc Ninh (6.000ha) nhưng việc sản xuất theo quy trình RAT mới là ý tưởng và chưa có gì cụ thể…

Thưa ông, đấy có phải là nỗi lo lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng?

- Bởi có tới 60% lượng rau người Hà Nội tiêu thụ xuất xứ từ ngoại tỉnh, nên vấn đề bức xúc đặt ra là thành phố không chỉ tăng cường quản lý việc sản xuất RAT ở Hà Nội mà còn phải quan tâm đến việc sản xuất rau ở 5 tỉnh vành đai. Hơn nữa, chưa có tổ chức độc lập nào đứng ra chứng nhận RAT. Thậm chí, trong khi phía người trồng rau đã không mặn mà trồng RAT, thì người tiêu thụ cũng không coi trọng RAT hay rau thường...

Tại một hội nghị mới đây, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Nói đến RAT không thể bàn tách bạch trong ranh giới Hà Nội với tỉnh này tỉnh kia. Chúng ta cần nhất quán tư duy xem đây là công tác quản lý sản xuất RAT của “vùng rau Hà Nội” hay “vùng rau Đồng bằng sông Hồng” để cung ứng cho thị trường Thủ đô. Bộ cũng đang dự kiến thành lập Ban chỉ đạo RAT vùng Đồng bằng sông Hồng, giao cho Sở Nông nghiệp - PTNT Hà Nội là cơ quan thường trực.

Được biết ngành nông nghiệp Hà Nội gần đây đã có nhiều giải pháp tích cực về RAT. Xin ông cho biết cụ thể những bước đi đó?

-Từ đầu năm 2006 đến nay, Hà Nội đưa ra nhiều động thái phối hợp với 5 tỉnh trên để tạo sự liên kết chặt chẽ hơn về sản xuất RAT. Đến nay, đã có 3 đề xuất nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tỉnh. Đó là: 32 quy trình RAT của Hà Nội sẽ nâng cấp thành quy trình chung để áp dụng toàn vùng. Tiến hành kiểm tra đánh giá tổng thể thực trạng các vùng rau ở các tỉnh. Đã đến lúc chỉ cho phép trồng rau ở vùng nào đủ điều kiện sản xuất RAT. Bên cạnh việc hỗ trợ tổ chức tập huấn về quản lý các quy trình RAT, Hà Nội còn chủ động xây dựng chính sách tăng cường cơ chế giám sát giữa Hà Nội với các tỉnh, tạo điều kiện giúp đỡ người sản xuất RAT ở các tỉnh vành đai cũng là giúp cho người dân Hà Nội có thể yên tâm với nguồn rau tiêu thụ thực sự an toàn.

Thưa ông, UBND thành phố Hà Nội và các ngành chức năng ủng hộ thế nào?

- Trong ngành nông nghiệp bây giờ, vấn đề lớn nhất là quản lý chất lượng giống cây - con và an toàn thực phẩm, trong đó có RAT. Dù nỗi lo RAT không của riêng ai, dù những đề xuất của Hà Nội được Bộ NN -PTNT và các tỉnh rất trân trọng, nhưng Sở chỉ là cơ quan tham mưu về chuyên môn, còn để UBND thành phố có ý kiến quyết định về cơ chế, chính sách thì cần có ý kiến tổng hợp của nhiều sở ngành, trong khi một số sở ngành không phải lúc nào cũng có ý kiến đúng và kịp thời.

Xin cám ơn ông!