00:00 Số lượt truy cập: 3228089

Rèn luyện giúp trẻ không nản chí trước thất bại 

Được đăng : 03/11/2016

Khi trẻ gặp thất bại, cha mẹ hãy giúp trẻ nhận ra sự việc đó là hết sức bình thường, trẻ có thể làm lại được và làm tốt hơn ở những lần sau.



trenghich-1374939187_500x0.jpg
Với trẻ lứa tuổi mầm non, cần cho trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi của mình.

Ví như: “Con đánh vỡ cốc rồi à? Thôi, không sao con ạ, lần sau con cần cẩn thận hơn”. Với trẻ lứa tuổi mầm non, cần cho trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi của mình, đồng thời cũng cần dạy trẻ hiểu cái gì được phép và không được phép.

Khi trẻ gặp thất bại và không muốn tiếp tục công việc đang làm hoặc từ chối không muốn làm công việ tương tự, cần động viên trẻ: “Con có thể làm lại được mà” hoặc “Con cứ làm lại thử xem, không có việc gì mà không thể làm được. Nếu khó khăn mẹ sẽ giúp con “. Điều này giúp trẻ biết khám phá và hiểu được khả năng của mình, học cách kiên trì với mục đích và công việc mình theo đuổi.

Tạo cho trẻ niềm hy vọng và sự tin tưởng rằng luôn có cha mẹ bên cạnh để hỗ trợ, giúp đỡ khi bé gặp khó khăn hay thất bại. Mẹ có thể trò chuyện với trẻ: Những lúc con gặp thất bại nào đó, con hãy thở nhẹ nhàng và nhắm mắt lại, con có thể nghĩ đến mẹ và thầm nói: “Mẹ ơi, hãy giúp con vượt qua trở ngại này”. Hoặc dặn trẻ: “Nếu việc không thành công như mong muốn, con hãy thầm nhủ: không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền”…

Nếu trẻ gặp những khó khăn nhất định trong thực hiện công việc, bạn có thể làm mẫu trước cho trẻ xem và yêu cầu trẻ làm lại. Với trẻ lớn hơn, bạn hãy ở bên cạnh và hỗ trợ trẻ bằng những lời chỉ dẫn (không làm thay, làm hộ trẻ vì sẽ sinh ra tính ỷ lại). Ví như: “Theo mẹ, để làm xong được việc này thì trước hết con làm việc này, sau đó làm đến việc này và tiếp là…” hoặc “để mẹ sẽ giữ hộ con cái này, con sẽ tự buộc dây nhé”.

Kiên trì rèn luyện thường xuyên cùng trẻ. Ví dụ, khi đang làm một việc gì đó, bạn nên gọi trẻ đến gần và nói: “Hai mẹ con mình cùng làm lại nhé!” hoặc “Hôm nay mẹ có việc này, con thử giúp mẹ xem nào. Mẹ con mình cùng làm nhé, được không con?”.

Luôn động viên, khen ngợi kịp thời những thành tích đạt được ở trẻ, dù chỉ là một thành công nho nhỏ; chẳng hạn sau khi trẻ tự buộc được sợi dây giầy hoặc cài được hết cả dãy khuy áo; trẻ tự tô/vẽ được xong bức tranh… bạn hãy ôm hôn bé và nói: “Con mẹ làm giỏi thế nhỉ. Bức tranh thật là tuyệt. Mẹ sẽ treo nó lên bức tường để cả nhà xem nhé”…