Sỏi tiết niệu, cách nhận biết và chữa trị
Được đăng : 03/11/2016
Sỏi niệu là một bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu, tuổi hay gặp nhất là 30-50. Số người mắc chứng sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng ngày càng nhiều do nếp sống công nghiệp hóa - yếu tố thuận lợi làm gia tăng sỏi.
Các yếu tố tạo sỏi
Để có thể tạo thành một viên sỏi, phải có hai yếu tố: các tinh thể trong nước tiểu và chất kết dính các tinh thể. Chất kết dính là mucoprotein nhưng cơ chế tạo sỏi biết còn quá ít, còn các tinh thể thường là calci và oxalat.
Ở điều kiện bình thường các tinh thể này hòa tan và ít có khả năng kết dính. Khi dòng nước tiểu chậm lại, nhất là nước tiểu bị cô đặc thì ngưỡng hòa tan hạ thấp đưa đến kết tủa các tinh thể. Ngoài ra, nếu bị nhiễm khuẩn, pH nước tiểu thay đổi cũng làm các tinh thể kết tủa thành sỏi. Sỏi thường thấy là sỏi calci chiếm đến 80% các trường hợp, trong trường hợp này lượng tinh thể calci trong nước tiểu rất cao; tuy nhiên nhiều trường hợp calci nước tiểu cao nhưng không hề bị sỏi. Sỏi oxalat cũng chiếm tỷ lệ cao ở nước ta, oxalat kết hợp với calci tạo sỏi oxalat calci.
Những người đi tiểu ít (vài ba lần mỗi ngày) hoặc đi nhiều lần nhưng lượng nước tiểu dưới 1 lít/ngày sẽ làm nước tiểu cô đặc, nếu lại ngồi nhiều thì rất dễ tạo sỏi. Những người hay nhịn tiểu vì nhiều lý do đều làm dòng nước tiểu bị cản trở, các tinh thể dễ lắng đọng. Nếu lạm dụng calci với lượng lớn, số thừa thải qua nước tiểu cũng là điều kiện thuận lợi kết thành sỏi. Nhiễm khuẩn tiểu rất âm thầm kín đáo trong giới nữ mà không được điều trị thỏa đáng cũng dẫn đến hình thành sỏi.
Làm sao biết mình bị sỏi tiết niệu?
Nhiều trường hợp bị sỏi thận nhưng không hề có triệu chứng. Còn phần lớn người bệnh thấy đau đột ngột dữ dội, co thắt từng cơn, mỗi lúc một tăng, sốt nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do viên sỏi gây tắc nghẽn đường niệu, nên cơ thể phải tăng cường co thắt nhằm tống viên sỏi ra ngoài. Viên sỏi cọ xát niêm mạc gây viêm nhiễm, lâu ngày gây ứ đọng nước tiểu phía trên chỗ tắc làm giãn niệu quản, giãn bể thận, thận ứ nước. Có thể gây nhiễm khuẩn, gây mủ ở thận, suy giảm chức năng thận (nhất là bị sỏi thận hai bên). Đối với các sỏi tiết niệu ở thấp (bàng quang, niệu đạo) thì triệu chứng thường là tiểu rắt, tiểu buốt, có khi tiểu máu, đau buốt đường tiểu dọc đường tiết niệu.
Phòng và chữa sỏi thế nào?
Đối với những viên sỏi nhỏ, dưới dòng chảy của nước tiểu, chúng không to thêm thậm chí nước có thể bào mòn dần viên sỏi và tống ra ngoài. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ có hai loại sỏi urát mới có thể làm tan được bằng cách gây kiềm hóa nước tiểu.
Phương pháp nội khoa
Hiện tại để điều trị sỏi tiết niệu người ta chỉ khuyên một điều duy nhất là uống nước thật nhiều để duy trì lượng nước tiểu khoảng 2,5 lít mỗi ngày và không nên nhịn tiểu quá lâu. Trong dân gian có nhiều bài thuốc chữa sỏi thận khác nhau, có thể tốt ở người này nhưng không tốt ở người kia; đó là do đặc điểm sỏi mỗi người khác nhau. Điều cần chú ý là phải chữa sớm triệt để các nhiễm khuẩn tiểu. Riêng chế độ ăn uống, không quá lạm dụng các thức ăn, thức uống có quá nhiều calci, hạn chế thức ăn nhiều oxalat (sôcôla, cà phê...), hạn chế purin có nhiều trong cá lên men (các loại cá khô, tôm khô, lạp xưởng...), lòng heo, lòng bò...
Phương pháp ngoại khoa: Các phương pháp mới đang được áp dụng khá thành công như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và lấy sỏi niệu quản qua nội soi. Tuy nhiên nếu các phương pháp trên không đưa lại kết quả thì phải phẫu thuật lấy sỏi.