Thêm 2 tỉnh gia nhập bản đồ 13 tỉnh, TP có dịch với tổng số bệnh nhân lên đến 1.261 l Nguồn phát tán mầm bệnh hiện vẫn là người mắc bệnh đi từ nơi có dịch sang nơi không có dịch.
Vào lúc 16 giờ chiều 8 – 11, bệnh nhân D.T.Y, 46 tuổi, ngụ tại phường 11, quận Gò Vấp - TPHCM đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP sau khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tiêu chảy cấp như đi tiêu chảy 6-7 lần có kèm sốt. Đây được xem là ca nghi nhiễm tiêu chảy cấp đầu tiên tại TPHCM.
Tiếp tục xét nghiệm tìm vi khuẩn tả
Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành các kỹ thuật tìm vi khuẩn tả nhưng không tìm thấy. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác phải chờ kết quả cấy phân sau 2-3 ngày nữa. Hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi, điều trị cách ly tại BV Bệnh Nhiệt Đới TP.
Cùng ngày, bệnh nhân nữ tên N., 53 tuổi, cũng ngụ quận Gò Vấp, đã được đưa vào BV Gò Vấp với triệu chứng tiêu chảy gây mất nhiều nước, tụt huyết áp. Các bác sĩ đã truyền nước biển và chuyển bệnh nhân này sang BV Nhân dân Gia Định. Tại đây, bệnh nhân được tiếp tục truyền dịch và đã ngưng ói, ngưng tiêu chảy, huyết áp ổn định. Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết các bác sĩ đã thử phân tươi của bệnh nhân này nhưng chưa tìm thấy vi khuẩn tả. BV Nhân dân Gia Định vẫn tiếp tục các xét nghiệm tìm vi khuẩn tả để cho kết luận chính xác.
Trước đó, ngày 5-11, Sở Y tế cũng đã ghi nhận một bệnh nhân nam 78 tuổi ở Gò Vấp bị nôn ói và tiêu chảy, đến BV Nhân dân Gia Định điều trị và đã tử vong cùng ngày. Qua xét nghiệm bệnh nhân trên không nhận thấy phẩy trùng tả, chẩn đoán tử vong là do choáng nhiễm trùng đường tiêu hóa. Sở Y tế cũng nhận xét ca này tử vong không liên quan đến bệnh tả hay có liên hệ với dịch tiêu chảy cấp đã được Bộ Y tế công bố.
Một nhân viên khách sạn 5 sao có phẩy khuẩn tả
Chiều 8-11, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Huy Nga cho biết tổng số người mắc bệnh đã lên đến 1.261, song chưa có trường hợp nào tử vong. Các địa phương đã phát hiện 165 ca bệnh mới, đồng thời có thêm 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam được ghi vào bản đồ 13 tỉnh, TP xuất hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Bộ Y tế nhận định, nguồn phát tán mầm bệnh hiện nay vẫn là người mắc bệnh tiêu chảy cấp đi từ nơi có dịch sang nơi không có dịch. Khoảng 8% bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm được coi là không liên quan đến mắm tôm. Nguồn nước máy đến thời điểm này chưa được coi là nguyên nhân làm lây bệnh, tuy nhiên cũng đã phát hiện một số mẫu nước ở ao hồ có phẩy khuẩn tả.
Đáng lưu ý, theo PGS-TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, viện này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân làm đầu bếp. Một người là đầu bếp của một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, xét nghiệm ban đầu cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả. Tối trước hôm nhập viện, bệnh nhân này ăn cơm tại gia đình, hôm sau ăn sáng tại khách sạn (gồm xôi và thịt kho), đến chiều thì có biểu hiện bệnh. Trường hợp còn lại là đầu bếp tại nhà hàng cao cấp ở quận Đống Đa nhập viện với các biểu hiện của tiêu chảy cấp, hiện đang chờ kết quả. Ông Hiền cho biết đã có 67 trường hợp điều trị được ra viện. Số bệnh nhân nhập viện có xu hướng giảm, song số xét nghiệm cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả vẫn chiếm tới 50%.
Triệt để ăn chín, uống sôi
Trước diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn lo ngại không loại trừ được khả năng dịch tiêu chảy cấp lây nhiễm sang người nước ngoài. Ông Huấn đề nghị lập các điểm kiểm dịch tại các nhà ga, sân bay, không để người có bệnh, dù đã điều trị khỏi, ra khỏi vùng dịch. Đồng thời, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại cả những khách sạn lớn, nhà hàng, cửa hàng bán thức ăn nhanh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã yêu cầu mua 1 triệu đôi găng tay sử dụng 1 lần phát cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố ở các tỉnh có dịch để tạo thói quen sử dụng găng tay khi bán hàng. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, kiến nghị cần xử phạt hoặc kiên quyết đóng cửa các cơ sở thức ăn đường phố không bảo đảm VSATTP.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP Trung ương đã có văn bản gửi ban chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường các biện pháp VSATTP để dập tắt và kiểm soát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, đưa thông điệp đến từng người dân, từng hộ gia đình về thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi.
TPHCM: 24/24 mẫu mắm tôm âm tính với phẩy trùng tả Ngày 8-11, đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục kiểm tra tình hình bán mắm tôm ở chợ An Nhơn (Gò Vấp-TPHCM) đã thu hồi 25 kg mắm tôm không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, đoàn cũng đã kiểm tra cửa hàng Kim Thanh bán thực phẩm có nguồn gốc từ Hà Nội trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thu hồi 13,3 kg mắm tôm và 15 kg mắm tép (đều có nhãn mác và nơi sản xuất rõ ràng), để xét nghiệm vi trùng tả. Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM đã công bố 24/24 mẫu mắm tôm đã được lấy tại các chợ, siêu thị và cửa hàng trong những ngày qua đều có kết quả âm tính với phẩy trùng tả. N.Phương |
WHO: Còn quá sớm để kết luận nguồn lây Ngày 8-11, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo NLĐ về đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm ở VN, bà Dida Conor, cán bộ truyền thông, đại diện WHO tại VN, cho biết: WHO ủng hộ các khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm tránh tiêu thụ các loại thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, bao gồm hải sản sống, các món ăn có cá sống và rau sống, tiết canh và nem chua. Từ thời điểm có cảnh báo chính thức của Chính phủ về các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm tại các tỉnh, TP phía Bắc, WHO đã họp với Bộ Y tế về cung cấp những hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. WHO đang chờ đợi nhận được yêu cầu chính thức về việc hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho quá trình điều tra dịch. Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ một đánh giá kết luận cuối cùng về nguồn lây của bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm này. B.Diệp |