00:00 Số lượt truy cập: 3227270

Thức ăn chín cũng có thể chứa vi khuẩn tả 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là khẳng định của nhiều nhà chuyên môn trước thói quen ăn uống thức ăn đường phố của người dân. Trong khi đó, nguy cơ bùng phát dịch tả trở lại đang nóng lên từng ngày.

 

Rau sống, thức ăn chín… đều có thể là tác nhân

PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định, điều tra dịch tễ cho thấy tất cả các bệnh nhân bị tiêu chảy cấp có nguyên nhân do phẩy khuẩn tả đều liên quan đến thức ăn đường phố. Người thì ăn tiết canh lòng lợn, người ăn bún ở hàng rong, người ăn thịt chó…

Như bệnh nhân Đinh Hoàng Hiệp (TP Hà Đông, Hà Tây) bị tiêu chảy cấp chỉ sau nửa ngày ăn bánh đa cua tại một chợ ở quận Hoàng Mai. Còn anh Trần Huy Khanh ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai bị đi ngoài liên tục có kết quả cấy phân là dương tính với phẩy khuẩn tả sau khi ăn tiết lợn ngoài quán. Bác Nguyễn Xuân Hoà ở Minh Khai, Hai Bà Trưng cũng bị bệnh sau khi ăn thịt chó cùng với mắm tôm và vài cọng rau húng...

Theo kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ, các mẫu nước ao, nước mương, nước thải, đặc biệt nước rửa tay của người bán thịt chó sống, chín đều có vi khuẩn tả nên nguy cơ gia tăng người bị bệnh rất lớn.

Ngay tại một quán thịt chó trong nội thành Hà Nội, các chuyên gia cũng đã tìm thấy vi khuẩn tả trong thịt chó luộc chín và các loại rau thơm. “Dù thức ăn đã được luộc chín, nhưng nếu bát đĩa rửa không được sạch, rửa bằng nguồn nước có nhiễm vi khuẩn, hay tay của người bán có nhiễm khuẩn thì việc thức ăn chín nhiễm phải vi khuẩn là điều hoàn toàn có thể. Khi đó, ăn phải thức ăn này sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh”, ông Hiển nói. Được biết, tháng 10/2007, cơ quan chức năng đã tìm thấy vi khuẩn tả trong nước rửa bát đũa tại quán thịt chó.

Các xét nghiệm của Viện dinh dưỡn quốc gia cũng cho thấy, bát đũa, đồ dùng ở những quán hàng rong, quán ngoài vỉa hè 100% bị nhiễm khuẩn nặng nề. Như thế, dù thức ăn được nấu chín, nhưng với bát đũa không sạch, người tiêu dùng vẫn tự đưa vi khuẩn vào mình.

Cục ATVSTP đã công bố về thức ăn nguyên nhân gây radịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại Hà Nội cuối tháng 10, đầu tháng 11/2007. Theo đó, Cục đã tiến hành điều tra các loại thức ăn của 15 bữa ăn trước khi phát bệnh ở 61 bệnh nhân được chẩn đoán là tả, có 742 loại thức ăn khác nhau. Trong đó, mắm tôm có tỷ lệ tấn công cao nhất trong số những người đã ăn mắm tôm và thấp nhất ở số những người không ăn mắm tôm và tỷ lệ chênh lệch giữa tỷ lệ tấn công trong số những người đã ăn mắm tôm và không ăn là 100,00%.

 

Từ đó đi đến kết luận, mắm tôm là thức ăn nguyên nhân, tức là thức ăn có chứa mầm bệnh tả, là nguồn lây nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu của dịch.

Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng từng thừa nhận, dịch tả và nhiều bệnh đường tiêu hoá rất có thể bùng phát trong điều kiện như hiện nay.

Như rau xanh, người trồng rau có tập quán dùng nước thải, nước phân tươi tưới rau. Còn người bán ở các chợ đầu mối thì dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi. Nếu ăn phải những thực phẩm này rất dễ bị bệnh, nhất là khi không được nấu chín. Trong khi đó, các loại rau sống như xà lách, húng chó, mùi... là các loại rau tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột bởi khuẩn phẩy tả có thể sống trên rau sống từ 3-10 ngày, khuẩn E.coli sống được 1 tuần và thường kéo theo các vi khuẩn đường ruột khác, các kí sinh trùng như trứng giun...

Nhưng hiện giờ, mối nguy không chỉ ở rau sống, mắm tôm mà ở tất cả các loại thực phẩm chín, sống, rau sống, sau xanh… nếu người ăn chúng không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, vì vi khuẩn tả đã lan ra môi trường, từ đó nhiễm vào thực phẩm.

Ngay như mắm tôm, mắm nguyên chất khó nhiễm vi khuẩn tả vì rất mặn. Nhưng khi đã sơ chế, nếu điều kiện sơ chế mắm không an toàn, đựng mắm trong dụng cụ mất vệ sinh… thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn (cả vi khuẩn tả) là rất cao. Vì vậy, việc sử dụng mắm tôm nên thận trọng vì đây vẫn là thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Với thức ăn đường phố, khó lòng có thể kiểm soát được những hàng ăn bán rong trên đường. Ngay tại các cơ sở thực phẩm, chuyên kinh doanh thức ăn thì cũng chỉ mới có non nửa cơ sở sử dụng găng tay nilon thường xuyên.

Nguy cơ bùng phát dịch trong mùa hè

Trong khi đó mùa hè sắp đến, là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát nếu người dân tiếp tục ăn uống và sinh hoạt mất vệ sinh. Ông Hiển cũng cho rằng, nguy cơ dịch tả trong mùa hè là rất lớn, vì nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi, nhất là nước đá tăng cao. Trong khi đó, chất lượng nước đá, đá cây hiện nay hầu như chưa kiểm soát được.

"Chúng tôi chỉ có thể khuyên người dân nên bỏ thói quen ăn rau sống. Vì dù rửa rau sống ngập trong nước, ngâm thuốc tím, sục ozon, ngâm nước muối hoặc xả rau dưới vòi nước chảy 15 phút... thì cũng không thể khống chế được 100% vi khuẩn mà chỉ hạn chế được phần nào. Ngoài ra, không nên tin dùng thức ăn đường phố dù đã được nấu chín, nhất là bày bán ở dọc vỉa hè, đường phố", ông Đáng nói.

Ngoài ra, mọi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thân thể, đặc biệt cần hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... Chỉ với một động tác thường xuyên rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền vi khuẩn Shigella, E.coli vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh tiêu chảy và làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Nhưng trên thực tế, tại VN, tỷ lệ người dân rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh mới chỉ đạt 12%.

Để phòng dịch lan rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ đang đề nghị Bộ Y tế cho người dân uống vắc xin tả ở vùng có nguy cơ cao. Nhưng uống vắc xin cũng chỉ có tác dụng phòng bệnh từ 60-70%. Quan trọng là người dân có ý thức bảo vệ mình trước căn bệnh này. “Dù bệnh tiêu chảy do phẩy khuẩn tả rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ”, ông Hiển nhấn mạnh.