00:00 Số lượt truy cập: 3227856

Tiêu dùng thịt gia cầm - Thận trọng với H5N1 

Được đăng : 03/11/2016

Mặc dù đã tăng cường các biện pháp phòng chống với rất nhiều nỗ lực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, song dịch cúm gia cầm vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Sau hơn 1 tháng kể từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Nghệ An, đến nay danh sách các tỉnh, thành tái phát dịch cúm gia cầm đã lên tới 18 địa phương.


Tình trạng chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi vịt ồ ạt theo thời vụ, ý thức chủ quan, không chịu tiêm phòng cho gia cầm, cùng với nhu cầu tiêu thụ thịt vịt vào thời điểm Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) đang khiến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm lo ngại dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan trên đàn gia cầm và lây sang người. Dạo qua thị trường tiêu thụ gia cầm tại Hà Nội những ngày này mới thấy những lo ngại trên không phải không có cơ sở.

Gia cầm sạch - ế ẩm

Qua khảo sát thị trường, giá các loại thịt gia cầm đã qua kiểm dịch trong thời gian này vẫn giữ ở mức bình ổn so với thời kỳ sau Tết Nguyên Đán. Tại một số chợ Long Biên, chợ Hôm, chợ Mơ, Phùng Khoang, Dịch Vọng….giá các loại thịt gia cầm cụ thể như sau: vịt 30.000 - 35.000đ/kg, ngan 35.000 - 40.000đ/kg, gà công nghiệp 30.000 - 33.000đ/kg, gà ta 70.000 - 75.000/kg… Tuy mức giá không tăng nhưng lượng tiêu thụ thịt gia cầm tại các chợ giảm mạnh. Theo lời một số hộ kinh doanh gia cầm sạch tại chợ Âm phủ (19.12), chợ Nghĩa Tân, sản phẩm thịt gia cầm tại thời điểm này rất "ế". Trước kia, tại các chợ này có khoảng chục cửa hàng gia cầm sạch bày bán thì hiện nay chỉ còn lại 2 - 3 hộ kinh doanh. Số lượng gia cầm bán trong một ngày cũng giảm đáng kể, từ mức mấy chục con/ngày xuống còn vài ba con mỗi ngày.

Giá thịt gia cầm tại hệ thống siêu thị Metro, Big C, Fivimart… cũng dao động ở mức: Gà ta 82.000 - 85.000đ/kg, vịt 43.000 - 45.000đ/kg, gà tam hoàng 41.000 - 49.000đ/kg, ngan 52.000- 55.000đ/kg…. Người dân hiện nay có tâm lý yên tâm hơn khi mua các sản phẩm gia cầm tại siêu thị do vệ sinh thực phẩm được đảm bảo. Ngoài việc đóng dấu kiểm dịch trên từng con gia cầm, các siêu thị còn dán kèm phiếu xác nhận gia cầm đạt tiêu chuẩn ATVSTP của cơ quan kiểm dịch tại các quầy hàng. Tuy vậy, lượng tiêu thụ trong thời điểm này cũng rất chậm. Siêu thị Big C hiện đang có chương trình khuyến mãi giảm giá với các sản phẩm gia cầm sạch nhằm kích thích lượng người mua.

Gia cầm chưa qua kiểm dịch - đáng báo động

Song song với các cửa hàng gia cầm sạch, tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, các hộ nhỏ lẻ vẫn đang bày bán công khai các sản phẩm thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Hầu hết các quầy hàng gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán ở các chợ cóc, chợ chiều hoặc gần địa điểm các chợ lớn chứ không bán trực tiếp trong các chợ. Cụ thể như: khu vực sau chợ Long Biên, chợ Nghĩa Tân, chợ Phùng Khoang hay một số hàng lẻ tẻ dọc đường…Đặc điểm chung ở các quầy hàng này là gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng, không có dấu của cơ quan kiểm dịch. Các sản phẩm thịt gia cầm không được bảo quản trong tủ kính mà bày bán trực tiếp trên các bàn gỗ, mâm, mẹt, không che đậy, rất mất vệ sinh.

Có một thực tế đang diễn ra: các quầy bán gia cầm nhỏ lẻ này thường có giá thấp hơn so với các cửa hàng gia cầm sạch; hơn thế họ lại bày bán ngay vỉa hè, lề đường, tiện lợi cho khách hàng vào mua. Vì vậy, nhiều người dân do lơ là, chủ quan nên hàng ngày vẫn sử dụng các loại thực phẩm này. Không khí mua bán ở những địa điểm này còn có phần sôi nổi hơn các cửa hàng kinh doanh gia cầm sạch, có kiểm dịch.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang siết chặt quản lý buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm. Tuy nhiên trên thực tế, gia cầm sống vẫn được buôn bán, vận chuyển vào nội thành. Tại khu vực chợ Mơ, chợ Dịch Vọng… khoảng 3giờ - 4giờ sáng vẫn xuất hiện các xe chở gà, vịt sống vào bán. Hàng ngày, nhiều người từ các vùng ngoại thành vẫn chở gia cầm sống vào bán rong ở khu vực Cầu Diễn, Phùng Khoang… Nhiều người nội trợ thích mua loại gà, vịt này về tự giết mổ vì được giới thiệu là gà, vịt không nuôi công nghiệp. Hậu quả từ việc tiêu thụ gia cầm không qua kiểm dịch và tự giết mổ gia cầm tại nhà là không thể lường trước.

Trước thực trạng trên, vấn đề quan trọng là cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác của người dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các loại gia cầm không rõ nguồn gốc. Trong dịp Tết Đoan Ngọ này, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực buôn bán gia cầm, phát hiện và xử lý kịp thời đối với những trường hợp vi phạm nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm H5N1.