Trong vòng 20 ngày qua, liên tục có thông tin về các loại tạp chất, chất cấm trong thực phẩm VN xuất sang các nước. Có những mặt hàng đã bị một số nước cấm nhập, cụ thể là một số loại hải sản đông lạnh.
Tuy nhiên, với một số vụ việc vẫn còn tranh cãi, dư luận đang đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
"Hội chứng"!
Khởi đầu là những phản hồi từ Nhật Bản. Vào hạ tuần tháng 4, thông tin Bộ Y tế - Lao động - Phúc lợi Nhật Bản phát hiện tôm xuất khẩu (XK) của 2 Cty VN (1 Cty ở Nha Trang) có chứa dư lượng kháng sinh. Với một thị trường đòi hỏi cao về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như Nhật Bản, chừng ấy cũng đủ để cơ quan chức năng nước này ban hành lệnh cấm cửa đối với sản phẩm của những DN VN vi phạm.
Nhưng đây chưa phải là thông tin duy nhất. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản VN (VASEP), trong tháng 4.2007, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ đã từ chối NK đối với 27 lô hàng thuỷ sản của VN (các DN này ở TPHCM, Nha Trang, Vũng Tàu, Bến Tre) vì hầu hết nhiễm các tạp chất và hoá chất cấm. Sang tháng 5, lại có thêm 4 Cty VN bị ngừng XK cá tra, cá ba sa vào Nga vì sản phẩm bị nghi nhiễm khuẩn.
"Hội chứng" chất cấm đã lan toả sang mặt hàng nước tương và trứng muối. Uỷ ban ATTP Liên minh Châu Âu (UBATTPLMCA) thông báo mẫu nước tương của Cty Vitecfood tại Phần Lan có chất 3-MCPD gây ung thư vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong khi đó, Cục Thú y và Nông sản Singapore lại cho biết mẫu trứng muối và trứng đóng hộp của DNTN Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long) có chứa chất sudan cũng gây ung thư.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng tự xoay xở
Cty Vitecfood cho đến thời điểm này vẫn một mực phản bác lại kết luận của UBATTPLMCA. Vitecfood cho rằng nước tương Chin-su đã từng qua kiểm nghiệm, chẳng những không có chất 3-MCPD, mà Cty cũng không có xuất hàng sang Phần Lan. Lúc này chưa thể có ngay kết luận ai đúng ai sai.
Nhưng chí ít, ngay trong lúc DN đang gặp "sóng gió" ở nước ngoài, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong nước - cụ thể là Cục ATVSTP của Bộ Y tế - không đơn thuần chỉ là... phát công văn thông báo kết luận của UBATTPLMCA đến DN và đứng yên quan sát.
Trong cơn sóng gió, DN đang tự xoay xở, nhưng không thể tự xoá cái "án" được "tuyên" từ nước ngoài. DN muốn tiến hành các thủ tục pháp lý để tự bảo vệ mình, nhưng có rất nhiều vấn đề chưa nắm rõ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng lúc này là làm cầu nối để DN thực hiện cuộc hành trình tự bảo vệ mình.
Đây cũng là công việc của các cơ quan chức năng, vì các cơ quan này cần phải trả lời người tiêu dùng (NTD) là loại nước tương Chin-su hàng ngày họ vẫn sử dụng có chất 3-MCPD hay không! Chứ không thể cứ để NTD hoang mang chẳng biết tin vào đâu.
Trong khi ngành chức năng trong vụ nước tương Chin-su thể hiện một sự thờ ơ trước cơn sóng gió của DN, thì trong vụ trứng chứa chất sudan, Cục Thú y lại có những tuyên bố quá vội vàng khiến NTD có cảm giác bất an.
Về nguyên tắc, dù hàng trăm mẫu trứng do Cục Thú y VN thu thập trong thời gian qua không cho thấy có chất sudan, nhưng mỗi mẫu mang tính độc lập, cho nên không thể lấy kết quả này để phủ nhận kết quả khác.
Trừ phi Trung tâm sắc ký đã dối trá trong kết quả phân tích, nếu không, về mặt khoa học, không ai có thể phủ nhận kết quả kiểm nghiệm của đơn vị này.