Tránh ngộ độc rau rừng
Được đăng : 03/11/2016
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng 2006, khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận 65 trường hợp bị ngộ độc, trong đó hơn 1/3 là ngộ độc do lá cây, nấm, củ rừng.
Điều đáng buồn là các vụ ngộ độc trên không chỉ xảy ra ở Hòa Bình mà còn ở nhiều tỉnh miền núi trong cả nước. Trong đó, không ít cái chết thương tâm xảy do nguyên nhân chỉ là một thói quen. Chẳng hạn như thói quen hái lá cây du mại về ăn thay rau sống, nấm về để nấu canh, củ ấu tầu để nấu cháo hoặc ngâm rượu và vô số loại lá rừng khác. Nguy cơ nảy sinh ở chỗ tất cả các thói quen này đều chỉ học bằng cách truyền miệng từ những kinh nghiệm đi rừng của một số bà con truyền lại. Tình trạng trên gây không ít khó khăn cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương vì phải tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân và còn để lại nhiều hậu quả cho người bệnh. Có nhiều loại lá độc, nhiều người ăn phải nhưng đến 2-3 ngày sau mới phát bệnh. Đây cũng là lúc bệnh đã ngấm sâu, nhiều trường hợp có thể cứu được tính mạng nhưng người bệnh phải chịu các biến chứng lâu dài.
Những hậu quả đau lòng trên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Điều quan trọng là chính quyền địa phương và lực lượng y tế cơ sở phải đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân. Đồng thời, bản thân người dân cũng cần tiếp thu, sửa đổi và ý thức trách nhiệm hơn với bữa ăn hằng ngày của mình.
MAI CHÂU PHONG (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình)
Sức khỏe của chúng tôi cần được bảo vệ
Thời gian qua vấn đề an toàn thực phẩm đã được ngành chức năng cùng các phương tiện thông tin cảnh báo nhiều. Từ việc người trồng rau sử dụng thuốc hóa học không đúng quy định đến tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm nhiễm bệnh... chưa thực sự được kiểm soát, quản lý hiệu quả làm cho người tiêu dùng cả nước không khỏi lo ngại trước nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Bằng chứng là mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra về vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn nhưng trên thực tế thực trạng này vẫn bị buông lỏng, nhiều vụ ngộ độc tập thể vẫn xảy ra và chủ yếu ở các doanh nghiệp liên doanh, tư nhân. Đơn cử như cuối tháng 8 vừa qua, hơn 80 công nhân của một công ty TNHH ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị ngộ độc thực phẩm do đồ ăn được nấu tại bếp ăn của công ty quá chật chội, không bảo đảm vệ sinh. Tiếp đó, ngày 27-9 tại công ty giày da Rieker Việt Nam ở khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc của tỉnh Quảng Nam lại xảy ra ngộ độc thực phẩm vì sử dụng đồ ăn mua tại cơ sở chế biến thức ăn Long Trà đóng trên địa bàn làm 51 công nhân công ty phải đi cấp cứu.
Với các vụ việc trên cho thấy, không chỉ do không kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh khi sử dụng đồ ăn cho công nhân ở các cơ sở chế biến tư nhân mà ngay tại doanh nghiệp tự mình chế biến, có bếp ăn riêng thì tình trạng mất vệ sinh thực phẩm cũng vẫn xảy ra. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần phải xử phạt nghiêm khắc các sai phạm này. Bên cạnh đó cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thường xuyên các bếp ăn tập thể cho công nhân của doanh nghiệp cũng như các cơ sở nhận cung cấp đồ ăn cho người lao động trên địa bàn, kịp thời đình chỉ các cơ sở tái diễn vi phạm cũng như để xảy ra vi phạm lớn... Có như vậy, vấn đề an toàn trong các bữa ăn tập thể nơi làm việc của chúng tôi mới có thể được bảo đảm tốt.