00:00 Số lượt truy cập: 3228014

U xơ tiền liệt tuyến 

Được đăng : 03/11/2016

Các bệnh tiền liệt tuyến (TLT) theo Tây y chỉ có riêng ở nam giới vì bộ phận này là một cơ quan trong hệ sinh dục nam. Từ 35 tuổi trở về già, nam giới thường mắc hai chứng ở TLT là bướu lành và bướu độc, ảnh hưởng đến quá trình bài xuất nước tiểu, có thể gây tắc nghẽn niệu đạo dẫn đến suy thận cấp sau thận.


Tiền liệt tuyến - còn gọi là nhiếp hộ tuyến, là một tổ chức chỉ cân nặng 20-28g ở người trưởng thành, to cỡ quả vải, thường chỉ có hai thùy bên nối với nhau bằng một cái mép đơn giản, ôm chắc lấy niệu đạo ngay dưới cổ bàng quang. Từ 35-45 tuổi trở đi, TLT ngưng phát triển, bắt đầu một quá trình suy yếu với xu hướng tăng sản bệnh lý hình thành bướu lành hoặc teo nhỏ dần đi, ở một số người nó lại “ác tính hóa” thành bướu độc…

U xơ tiền liệt tuyến còn gọi là bướu lành, bướu tuyến cơ xơ nhiếp hộ tuyến, có số bệnh nhân nhiều nhất và phổ biến nhất so với các bệnh khác. Tỷ lệ bệnh nhân u xơ TLT trên thế giới là 50% ở người trên 50 tuổi, còn người trên 70 tuổi thì gần như 100% đều có rối loạn đi tiểu.

Bình thường TLT chỉ có ở 2 thùy ở 2 bên niệu đạo, những người có thêm thùy giữa phát triển có nguy cơ to lên thành bướu lành. U xơ TLT có khối lượng thay đổi từ 30-60g, có khi lớn đến 120g, không bao giờ xâm lấn vào sâu trong vỏ bọc bàng quang, không di căn sang các nơi khác. U xơ phát triển về các phía ít bị chèn ép như bên phải, bên trái, phía sau đáy bàng quang và phía hậu môn. Cổ bàng quang bị u xơ chèn ép làm hẹp lại đồng thời bị viêm và bị mô xơ xâm lấn. Thành bàng quang biến đổi dần theo sự chèn ép của u xơ, trở nên chỗ dày chỗ mỏng không đều, hình thành túi ngách, trương nở kinh niên, ứ đọng 600-800ml nước tiểu; cuối cùng ở gia đoạn đuối sức, thành bàng quang dày lên tạo thành bàng quang nhỏ, mỗi lần đi tiểu rặn lắm cũng chỉ ra được 10-20ml nước. Niệu quản và thận bị trướng nước ngày càng nặng, thành niệu quản bị chít hẹp do mô xơ, miệng niệu quản không khép kín lại được luôn mở làm cho nước tiểu chảy ngược chiều khi bệnh nhân rặn đi tiểu. Ở 29% số bệnh nhân, thận bị ảnh hưởng, trướng nước, nhiễm trùng, viêm ngược chiều, suy nhược…

Hội chứng kích thích xảy ra ở 18% số bệnh nhân, gây đái khó, đái dắt, đái gấp, nhất là về ban đêm ở tư thế nằm càng gia tăng đái vặt. Hội chứng ứ tắc xảy ra ở 20% số bệnh nhân, đái buốt, đái nhỏ giọt rồi ngưng lại, nước tiểu đục khi bị nhiễm khuẩn, bí đái mạn tính, bàng quang phình lớn khối hình cầu. Khác với vô niệu là hoàn toàn không có nước đái trong bàng quang, bí đái xảy ra khi bàng quang đầy nước tiểu mà không đái ra được, tắc nghẽn, gây bức bối, mệt mỏi, gầy ốm, khát nước, ăn mất ngon, mất ngủ, buồn nôn, đau lưng, phù, tăng huyết áp, thiếu máu… Ở các trường hợp có thùy giữa TLT (khoảng 16% số bệnh nhân) thường xảy ra bí đái hoàn toàn, gây đau quặn dữ dội, đái ra máu… Bệnh tiến triển thất thường, đa số có rối loạn đi đái  nhẹ, gây đái vặt, hơi khó đi đái, bí đái 1-2 lần rồi khỏi, nhưng có không ít trường hợp phát triển nặng gây nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới bàng quang và thận.

Về nguyên nhân sinh bệnh, ở hầu hết các bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến có sự mất cân bằng hormone sinh dục, ở người cao tuổi thì thiếu hụt testosterol, còn ở người trẻ tuổi hơn thì giảm sút lượng ostrogen. Khi bổ sung hai loại hormone này theo một tỷ lệ thích hợp để lập lại cần bằng hormone, thì kết quả giảm hỗn loạn đi đái đạt 54-89%... Thật ra, tất cả các loại thuốc chữa u xơ TLT hiện nay đều không có khả năng làm nhỏ bướu rồi tan đi mà chỉ ức chế bướu phát triển, giảm tụ máu, bớt viêm… Chỉ có một biện pháp tối ưu là giải phẩu cắt bỏ tiền liệt tuyến mới giải quyết dứt điểm căn bệnh này./.