00:00 Số lượt truy cập: 3227287

Uống vắc-xin, ăn uống vô tư vẫn 'dính' tả 

Được đăng : 03/11/2016
Dự kiến, đầu tháng 4 tới, Hà Nội sẽ triển khai uống vắc-xin tả đợt 2. Tuy vậy, nhiều người đang nghi ngờ về tính hiệu quả của văc-xin trong phòng chống dịch tiêu chảy cấp do vừa qua có một số trường hợp bị "dính" tả nằm trong diện được uống vắc-xin. Phóng viên đã trao đổi với PGS TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về vấn đề này.

Trong đợt dịch tiêu chảy cấp lần này, các ca bệnh hầu hết đều ở Hà Nội. Theo ông, dịch đã có tính lây lan mạnh hay chưa?
 
Đợt này đã qua hơn 10 ngày có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp mới. Thế nhưng, dịch vẫn mang tính chất tản phát. Sở dĩ tôi nói như vậy là do mỗi ổ dịch không có ca thứ 2, các ca bệnh đều không liên quan đến nhau, thậm chí ở các tỉnh khác nhau, nhưng lại đồng thời xuất hiện.
 
Điều đáng lo ngại là thời tiết đang trong thời kỳ chuyển mùa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để lây lan dịch bệnh. Đặc biệt mùa hè sắp tới gần sức tiêu thụ các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao rất lớn như nước đá, nước chưa đun sôi, thức ăn đường phố, thiếu nước sạch, gỏi, thực phẩm tươi sống…
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, liệu đợt này bệnh tiêu chảy cấp có bùng phát thành dịch như cuối năm 2007?
 
Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vi khuẩn tả thường lan trong nước, nhưng ở Hà Nội dùng nước máy, không dùng nước bề mặt nên dịch lớn hàng loạt là khó có thể xảy ra. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nghiên cứu xem thực trạng bệnh tả ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có gì khác với y văn thế giới không.
 
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nước mương, ao, nước thải, thậm chí nước rửa tay của các chủ cửa hàng thức ăn chín bán sẵn cũng có vi khuẩn tả. Nhiều trường hợp thức ăn chín bị nhiễm khuẩn bởi khuẩn tả. Nước bề mặt dùng tưới rau ở các vùng ngoại thành nông thôn bị nhiễm khuẩn tả sẽ lây lan cho rau, quả. Do đó, nếu các con đường lây lan được khống chế tốt mới yên tâm là dịch không bùng phát mạnh.
 
Ông có cho rằng việc dịch quay trở lại, bệnh nhân tăng nhanh một phần là do Bộ Y tế không chủ động đưa thông tin sớm để người dân phòng tránh?
 
Thời gian qua, dù dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã chấm dứt nhưng Bộ Y tế luôn đưa ra những khuyến cáo về dịch có thể quay trở lại nếu người dân không thực hiện tốt vệ sinh ăn uống và sinh hoạt. Thế nhưng, trên thực tế người dân vẫn chủ quan, ăn uống mất vệ sinh, bất chấp những lời khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra. Bằng chứng là trong số những bệnh nhân mới nhập viện của đợt tiêu chảy cấp lần này có 7 bệnh nhân ở Hà Nội cùng nhập viện một ngày và có sử dụng thịt chó, rau sống.
 
Trong đợt này đa số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đều đến từ địa bàn đã uống vắc-xin tả. Vậy có phải việc uống vắc-xin không có tác dụng?
 
Đúng là tất cả 7 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp của Hà Nội vừa qua đều đến từ những quận đã được uống vắc-xin tả miễn phí đợt đầu năm. Thế nhưng, những bệnh nhân này lại không tham gia uống vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Uống vắc-xin tả là cần thiết nhưng không phải uống là phòng được bệnh hoàn toàn. Không phải sau khi uống là người dân có thể ăn uống mất vệ sinh vô tư bởi dịch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là ăn uống.
 
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ông có lời khuyên nào cho người dân?
 
Người dân ở những khu vực có trường hợp bị tiêu chảy cấp nên tham gia uống vắc-xin tả trước mùa hè, thời điểm có nhiều yếu tố khiến dịch tiêu chảy cấp dễ lây lan. Mặc dù việc uống vắc-xin tả được khuyến khích nhưng uống vắc-xin chỉ có tác dụng phòng bệnh 60-70% giúp người dân bảo vệ được phần nào nguy cơ nhiễm virus trong quá trình tiếp xúc.
 
Quan trọng hơn cả là người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ. Theo điều tra dịch tễ, tất cả những giả thiết về nguyên nhân bùng phát dịch tiêu chảy cấp đều bắt nguồn từ các thực phẩm mất vệ sinh, an toàn.
 
Xin cảm ơn ông.

Ngày 18/3, UBND thành phố Hà Nội đã có công điện khẩn số 05/CĐ-UBND gửi giám đốc các sở, ban, ngành thành phố và chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
 
Theo báo cáo của ngành Y tế, từ ngày 6-15/3, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 7 trường hợp mắc tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tiêu chảy cấp, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 4 biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm giữ vệ sinh ăn uống, không ăn thức ăn tươi sống, uống nước chưa đun sôi, đặc biệt là các loại rau sống, thực phẩm tươi sống...
 
Tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tiêu chảy cấp để kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; triển khai điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho người tiếp xúc theo chỉ định. Đối với các đơn vị y tế chuẩn bị đủ dịch truyền, thuốc điều trị bệnh nhân, không để tử vong.
 
Triển khai đợt thanh tra, kiểm tra ATVSTP; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về VSATTP và vệ sinh môi trường.
 
Nghiêm cấm việc sử dụng phân tươi bón rau, tạo nên nguồn rau bị nhiễm bẩn và là nguồn lây nhiễm phẩy khuẩn tả cung cấp cho thị trường.