00:00 Số lượt truy cập: 3228573

Viêm họng cấp và những biến chứng nguy hiểm 

Được đăng : 03/11/2016
Viêm họng là bệnh rất hay gặp, đa số các trường hợp viêm họng cấp là lành tính nhưng chúng ta không nên mất cảnh giác trước những khả năng biến chứng nguy hiểm của nó với cơ thể nhất là trẻ nhỏ.




Sốt cao co giật trong viêm họng cấp

Hội chứng sốt cao có nghĩa là nhiệt độ từ 40-42oC, đặc biệt hay xảy ra ở nhũ nhi và trẻ nhỏ, tuổi càng nhỏ mà sốt cao càng hay co giật, đây là một cấp cứu mà sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh mạng cũng như gây những di chứng nặng nề đối với trẻ nhỏ.

Lâm sàng: Bệnh cảnh xuất hiện nhanh và trầm trọng với các triệu chứng như sốt cao, rét run đặc biệt có kèm trụy tim mạch, mê man co giật, có thể kèm thêm suy thận, đòi hỏi cần được khẩn trương cấp cứu và chăm sóc đặc biệt.


Xử trí

- Cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ thoáng hơi, buồng ở phải thoáng khí, cho trẻ nằm nơi kín đáo, nếu thấy trẻ vã mồ hôi cần phải tránh gió lùa đề phòng bị nhiễm lạnh.

- Cần cho trẻ uống nước liên tục, nên dùng dung dịch ORS để bù nước và điện giải mất đi do sốt cao (1 gói ORS pha với 1 lít nước đun sôi để nguội). Nếu không có ORS thì có thể dùng các dung dịch như nước pha gạo rang, hay nước cháo loãng, nước hoa quả...

- Đặt túi chườm nước lên trán, lên thái dương trẻ, thỉnh thoảng dùng khăn bông nhúng nước ấm vắt kiệt lau người cho trẻ để hạ nhiệt.

- Phải dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ sốt trên 38oC, nên dùng paracetamol, chia 3-4 lần/ngày, kết hợp với thuốc an thần để phòng và chống cơn co giật như diazepam: 0,5-1mg/kg/ngày, chia 3-4 lần, cả hai đều uống hoặc đặt hậu môn.

- Nếu bệnh nhi sốt cao đang có cơn co giật thì tiêm bắp ngay 5mg diazepam.

- Trường hợp trẻ co giật mà chưa có thuốc, thầy thuốc chưa tới kịp và kể cả khi đang dùng thuốc tây, chúng ta có thể tiến hành một số kỹ thuật day bấm huyệt của y học cổ truyền:

+ Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ bấm mạnh vào các huyệt nhân trung (ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh), huyệt thiếu thương (ở chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan tay và mu tay, phía ngoài ngón cái và đường ngang qua gốc ngón cái). Sau đó day ấn huyệt bách hội (nằm ở điểm gặp nhau của 2 đường vuông góc trong đó một đường kẻ ngang qua hai tai).

+ Dùng ngón tay nhúng nước lạnh day ấn huyệt ấn đường (ở điểm giữa nối đầu trong hai lông mày).

+ Dùng gốc 4 ngón tay trừ ngón cái xoa day vùng quanh rốn trong 2 phút.

+ Dùng ngón tay cái hoặc trỏ day bấm huyệt sơn căn (ở phần sống mũi lõm giữa hai khóe mắt).

+ Dùng hai ngón tay nếu trẻ nhỏ hoặc hai gốc bàn tay nếu trẻ lớn bắt đầu từ huyệt quy vĩ (ở đầu chót xương cùng) đẩy từ dưới lên trên, day xát dọc hai khối cơ cạnh cột sống.

Khi tiến hành cần chú ý cường độ của thao tác phải tăng dần từ nhẹ đến mạnh, tuyệt đối không được thô bạo.


Nhiễm khuẩn huyết do viêm họng cấp

Các viêm họng cấp do vi khuẩn hay gặp là liên cầu, phế cầu, tụ cầu, các vi khuẩn yếm khí,... Những vi khuẩn này có thể vượt khuôn khổ tại chỗ và đi xa gây các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim,... Nó đặc biệt nguy hiểm với lứa tuổi trẻ.

Lâm sàng: Biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn huyết điển hình gồm 3 loại dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu tại họng: Nơi xuất phát điểm có một ổ viêm như viêm họng, viêm amidan cấp hoặc viêm tấy cấp tính quanh amidan.

- Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết: Đặc điểm của bệnh là khởi phát nhanh và mạnh. Sau đợt viêm họng cấp từ 7-15 ngày, đột nhiên bệnh nhân sốt trở lại, sốt cao 40-41oC, rét run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, huyết áp tụt, sốt liên tục, toàn thân suy sụp nhanh, có kèm thêm các rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đau bụng...), lách sưng đau, nước tiểu ít.

Các dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết có mủ di căn tới các phủ tạng gây viêm như phổi, lách, gan, khớp, tim, thận, v.v...


Xét nghiệm

- Cấy máu xác định bệnh.

- Tìm ổ nhiễm khuẩn tiên phát đặc biệt là viêm họng cấp do liên cầu như quệt họng xét nghiệm vi khuẩn, làm kháng sinh đồ.

Điều trị: Chủ yếu là dùng kháng sinh mạnh, liều cao liên tục theo kháng sinh đồ, càng sớm càng tốt trong 15 ngày kể cả khi bệnh nhân đã giảm sốt.

Điều trị dự phòng: Cần cắt amidan nếu tiền sử đã nhiều lần viêm họng cấp tái diễn, đặc biệt nếu đã có biến chứng áp-xe viêm tấy, không nên đợi đến khi xảy ra tai biến nhiễm khuẩn huyết rồi mới xử trí cắt amidan.

Viêm thận

Liên cầu bê-ta tan huyết nhóm A là vi khuẩn thường gặp hơn cả trong các biến chứng của viêm họng cấp và nó gây tác hại nguy hiểm cho thận. Đa số các trường hợp viêm họng cấp do vi khuẩn đều có albumin niệu (+), trong đó 5% xảy ra biến chứng thận thực sự. Khoa học ngày nay công nhận nguyên nhân cơ chế bệnh sinh là do miễn dịch kiểu tự miễn vì bệnh không chỉ xảy ra ở riêng thận mà còn có thể ở khớp, cơ tim, màng tim. Bệnh có một số yếu tố thuận lợi như thường hay xảy ra ở trẻ 5-15 tuổi, ít khi xảy ra ở người lớn, nam giới nhiều gấp đôi nữ, các yếu tố di truyền, gia đình.

Lâm sàng: Từ những ổ viêm họng cấp hoặc mạn tính, các liên cầu bê-ta tan huyết nhóm A hoặc độc tố của vi khuẩn được đưa tới các cơ quan ở xa như thận, khớp, màng tim. Hiện tượng này diễn ra từ từ, liên tục, không nhanh ồ ạt như biến chứng nhiễm khuẩn huyết.

- Nước tiểu có máu, mắt thường không nhìn thấy được (gọi là đái máu vi thể), có trên 10.000 hồng cầu/phút, soi cặn nước tiểu có thể có những trụ hồng cầu chứng tỏ sự hủy hoại của nhu mô thận.

- Protein niệu: Chứng tỏ sự hư hại của nhu mô thận.

- Phù nề da mặt, mắt, tay chân.

- Tăng huyết áp do rối loạn thăng bằng nước và điện giải, có thể gây phù phổi ở người lớn, phù não và màng não ở trẻ nhỏ.

- Thiểu năng thận làm lượng nước tiểu ít, nước tiểu sẫm màu và tăng urê huyết.

- Toàn thân suy sụp, tiêu hóa kém, đau bụng, đau lưng và sốt...

Chẩn đoán xác định: Dựa vào tiền sử cách 10 ngày đến 3 tuần trước viêm thận đã có đợt viêm họng cấp liên cầu hoặc được chẩn đoán viêm tai cấp, viêm xoang cấp có liên cầu. Xét nghiệm vi khuẩn: lấy bệnh phẩm ở họng thấy có liên cầu bê-ta tan huyết nhóm A.

Xét nghiệm huyết thanh: ASLO (Antistreptolysin O) (+) có nghĩa là đo kháng thể kháng liên cầu xuất hiện trong viêm họng cấp sau 1 tuần tăng trên 500.

Điều trị: Penicillin 1 triệu đơn vị/ngày trong 10-15 ngày, nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin thì thay bằng kháng sinh họ macrolid. Chế độ ăn uống hạn chế muối. Sau khi khỏi viêm thận, nếu thấy họng, amidan có liên quan rõ rệt thì cần tiến hành cắt amidan càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn để bệnh thận tái phát hoặc thành mạn tính thì phẫu thuật mất tác dụng.

Viêm khớp cấp do viêm họng

Viêm khớp cấp tính là biến chứng đứng hàng thứ hai sau viêm thận trong những biến chứng của viêm họng cấp do liên cầu. Ngoài ra còn từ các ổ viêm của đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm xoang... Bệnh xảy ra sau 15-20 ngày sau những viêm họng cấp liên cầu không được biết đến hoặc không được điều trị triệt để, xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi 5-15, bệnh có nguy cơ biến chứng tim như viêm cơ tim, thấp tim làm cho bệnh cảnh thấp khớp càng thêm nặng.

Một số yếu tố thuận lợi như cơ địa, gia đình, yếu tố mẫn cảm, yếu tố phản ứng miễn nhiễm.

Lâm sàng: Sau một đợt viêm họng cấp 15-20 ngày thì xuất hiện hội chứng viêm đa khớp cấp bao gồm sưng nóng đỏ đau tại khớp thường là khớp cổ chân, bàn chân, mắt cá chân hoặc cổ tay, bệnh nhân đi lại, vận động khó khăn do sưng đau kèm thêm tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa nhưng không sưng hạch, Xquang khớp không thấy thay đổi.

Đặc điểm của viêm khớp do viêm họng là thay đổi, di chuyển từ khớp này sang khớp khác, ở tay, chân.

Các khớp to khác như khớp đầu gối, khớp vai, khớp khuỷu tay ít khi bị sưng mà chỉ đau. Bệnh diễn biến trong trong vài tuần rồi khỏi mà không để lại di chứng.


Xét nghiệm

Bạch cầu trong máu tăng cao (trên 17.000/mm3 máu), tốc độ máu lắng tăng, ga-ma globulin tăng trên 10%, tỷ lệ fibrinogen/máu không tăng.


Điều trị

Giai đoạn bệnh nhân sốt, viêm họng có sưng đau khớp dùng penicillin 1-2 triệu đơn vị/ngày trong 10 ngày kết hợp aspirin, corticoid chống thấp khớp, thấp tim. Điều trị dự phòng bằng cắt amidan nếu rõ ràng do amidan. Do tính phổ biến của liên cầu khuẩn và sự nguy hiểm của nó trong các viêm họng cấp, có thể áp dụng quy tắc phổ biến là cho uống nhất loạt kháng sinh trong 10 ngày, đặc biệt đối với các trẻ 5-15 tuổi.


BS. Thanh Quý