Xử trí các rối loạn nhịp tim
Được đăng : 03/11/2016
Những rối loạn ở thần kinh tim gây ra hiện tượng rối loạn nhịp. Hệ thống thần kinh tim rất phức tạp, do đó việc phát hiện ra được thương tổn đôi khi rất khó, các bác sĩ có thể phải áp dụng nhiều phương pháp mới có được chẩn đoán cuối cùng. Có hai loại: Phương pháp chẩn đoán không xâm lấn và phương pháp chẩn đoán xâm lấn.
CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN NHỊP TIM
Phương pháp chẩn đoán không xâm lấn
Ghi điện tâm đồ: Là phương pháp ghi lại hoạt động điện của tim qua các điện cực gắn lên vùng trước tim và các chi. Điện tâm đồ cho chẩn đoán những rối loạn nhịp tim thường gặp.
Theo dõi điện tim bằng máy Holter: Phát hiện được các rối loạn nhịp trong một khoảng thời gian dài từ 24 đến 48 giờ.
Máy ghi điện tâm đồ theo người: Người bệnh đeo máy ghi và tự ấn nút ghi lại điện tâm đồ khi cảm thấy nhịp tim không bình thường.
Siêu âm tim: Cho biết hoạt động của toàn bộ khối cơ tim và các van tim.
Phương pháp chẩn đoán xâm lấn
Là phương pháp thăm dò điện sinh lý tim qua dây thông điện cực: Bác sĩ sẽ đưa các dây thông điện cực qua mạch máu lớn vào tận các buồng tim. Các dây thông điện cực đặc biệt sẽ thăm dò từng vị trí trong buồng tim để xác định chính xác cơ chế gây ra rối loạn nhịp cũng như xác định chính xác các vị trí khởi phát rối loạn nhịp tim để từ đó đưa ra các phương cách điều trị thích hợp nhất.
PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHỊP TIM
Điều trị bệnh rối loạn nhịp tim có nhiều phương pháp và tùy vào từng bệnh lý cụ thể bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên điều trị thích hợp nhất.
Thay đổi lối sống
Bệnh lý tim mạch sẽ ảnh hưởng tới rối loạn nhịp tim, do đó bạn cần phải có các thói quen tốt trong cuộc sống như: Tập luyện, không hút thuốc lá, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý… điều này sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, giúp hạn chế các triệu chứng và các tai biến của bệnh rối loạn nhịp tim.
Dùng thuốc
Thuốc có thể kiểm soát được nhịp tim trong một số bệnh rối loạn nhịp tim. Hơn nữa, thuốc còn giúp điều trị các bệnh liên quan như: Bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, phòng ngừa đột quỵ. Thuốc còn có tác dụng ngăn chặn hình thành các cục máu đông trong buồng tim.
Điều trị rối loạn nhịp tim bằng các can thiệp điện học
Sốc điện
Tạo nhịp tim: Các máy điện tử có tác dụng duy trì nhịp đập bình thường của tim. Máy được cấy vào người bệnh nhân. Có các loại máy sau:
Máy tạo nhịp tim: Máy sẽ phát xung động kích thích tim hoạt động để duy trì hoạt động của tim. Hiện nay có nhiều loại máy với khả năng kích thích tim khác nhau: Máy tạo nhịp tim một buồng, máy tạo nhịp tim hai hoặc ba buồng.
Máy chuyển nhịp chống rung tự động (ICD): Là dụng cụ cứu sống tính mạng bệnh nhân trong trường hợp rung thất, đồng thời nó cũng tự động tạo nhịp khi nút xoang không hoạt động tốt.
Điều trị bằng năng lượng sóng có tần số radio qua dây thông điện cực
Đây là một phương pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, và có thể điều trị khỏi hoàn toàn rất nhiều rối loạn nhịp tim. Phương pháp này được thực hiện nhờ các thiết bị vô cùng tinh vi. Một loại dây thông điện cực đặc biệt được đưa vào vị trí tổn thương. Dây thông này có khả năng truyền dẫn sóng radio từ hệ thống máy điện sinh lý vào tận cơ tim. Tại điểm tiếp xúc giữa đầu dây thông điện cực và cơ tim, năng lượng sóng radio phát ra sẽ làm triệt bỏ các ổ gây rối loạn nhịp tim và các đường dẫn truyền bất thường trong cơ tim. Kết quả là thiết lập trật tự phát nhịp và đường dẫn truyền bình thường của hệ thần kinh tim, làm nhịp tim sẽ đều trở lại bình thường.
Phẫu thuật
Là phương pháp ít áp dụng trong điều trị rối loạn nhịp, nhưng đôi khi còn áp dụng để điều trị cho một số ít rối loạn nhịp tim phức tạp.
PHÒNG NGỪA BỆNH VÀ NHỮNG THEO DÕI CẦN THIẾT SAU ĐIỀU TRỊ
Phòng bệnh là yếu tố quan trọng không chỉ đối với bệnh lý tim mạch mà còn làm cuộc sống của bạn tốt hơn.
Lựa chọn một thói quen sống tốt: Tập luyện thường xuyên, ăn ít chất mỡ, ăn nhiều rau và các thực phẩm chứa nhiều vitamin, duy trì cân nặng ở mức cho phép.
Không hút thuốc lá.
Hạn chế dùng các chất kích thích với tim như: Cà phê, rượu.
Tránh các căng thẳng, đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, ghi lại các biểu hiện bất thường và thông báo cho bác sĩ.
Điều trị tốt các bệnh lý liên quan: Bệnh xơ vữa mạch, mỡ máu cao, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tuyến giáp…
Các điều cần biết sau điều trị rối loạn nhịp tim
Tới khám bệnh định kỳ theo lời dặn của thầy thuốc.
Tuân theo đúng đơn và cách sử dụng thuốc của bác sĩ.
Tránh các yếu tố kích thích làm rối loạn nhịp tim.
Biết được các yếu tố nguy cơ, biện pháp đề phòng và điều trị khẩn cấp với từng loại bệnh. Biết tự theo dõi nhịp tim của mình.
Ghi chép và báo cho bác sĩ các biểu hiện đặc biệt bất thường càng sớm càng tốt.
TS. BS. PHẠM QUỐC KHÁNH (Viện Tim mạch Việt Nam)