00:00 Số lượt truy cập: 3016003

Hà Nội ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản 

Được đăng : 11/12/2023
Sáng 8/12,Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thuỷ sản”.

ht 

 

Hà Nội đang phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được thành phố đặc biệt quan tâm.

Mới đây nhất, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023, trong đó quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế phát triển của Hà Nội. Trên địa bàn Thành phố, hiện nay có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Trong đó công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản. Hà Nội cũng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp; tập trung nhiều tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Nhiều mô hình đã khẳng định được vị thế, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) với mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng; mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất;...

Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn Thành phố quy mô chưa lớn, số lượng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thành phố Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có của Thành phố, nhất là mô hình khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp thông minh; mô hình trang trại, gia trại, HTX, làng nghề “Nông nghiệp số” quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ...

Trong thời gian qua, việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể về chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 3.430 cơ sở là hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm thủy sản; đã cấp 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên. Một số phần mềm ứng dụng công nghệ số trong tạo lập dữ liệu, cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đạt hiệu quả, được đánh giá cao...

Tại Hội thảo, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội nhìn nhận, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung vẫn là mới Việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản như việc áp dụng IoT, cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa được nhiều, còn nhiều lúng túng

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp điều kiện của Hà Nội. Cùng với đó, Sở phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan; phối hợp  với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nông dân, giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số...

TB