00:00 Số lượt truy cập: 2662822

Hội nghị thúc đẩy đào tạo lao động chất lượng cao – chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp 4.0 

Được đăng : 01/04/2023
Ngày 17/3/2023, tại Mộc Châu - Sơn La, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn: Chủ đề 2: Chuyển giao công nghệ - Dịch vụ xã hội – Đào tạo nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ 4.0.

son-la123

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; cùng gần 600 đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; đại diện lãnh đạo các huyện của tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ; các chuyên gia và nhà khoa học; các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam  “Hội nghị là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Học viện sẽ tổ chức tại các địa phương địa phương trên cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp và hướng đến nhu cầu khởi nghiệp của đối tượng học sinh THPT và sinh viên; đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nền nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.”

Những năm gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sản lượng lương thực bình quân đầu người trên 450kg/người đảm bảo an ninh lương thực vững chắc. Nhiều địa phương đã hình thành những vùng nông nghiệp hàng hóa, tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: vùng cây ăn quả sông Mã, vùng rau hoa quả ôn đới Mộc Châu (Sơn La), vùng cây có múi ở Cao Phong (Hòa Bình); rừng trồng mắc ca tại Điện Biên, Lai Châu… Thiết chế hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống cũng ngày một phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi sâu sắc; cuộc sống người dân cải thiện rõ nét cả về vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, về mặt tổng thể, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo phương pháp canh tác truyền thống trong vùng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đồng bộ hóa ứng dựng khoa học công nghệ, áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến ở mức độ tối đa làm giảm năng xuất, chất lượng sản xuất.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này song nổi lên hai vấn đề lớn cần ưu tiên tập trung tháo gỡ. Đó là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp song song với tập trung ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, để xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể: Hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, có chính sách trọng dụng và phát triển đối với lực lượng nghiên cứu khoa học…; Hiện nay, trình độ khoa học - công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ thanh thiếu niên đi học và đang học ở các trường chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn thấp. Lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào nhưng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn lại rất thiếu…

Ông Đông đề xuất Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nhanh các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh Sơn La vào học tập; trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo như Thuận Châu, Sốp Cộp. Đồng thời, tạo kết nối cơ sở đào tạo của Học viện với doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Sơn La trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, liên kết ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, vật liệu mới…; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn…

Cũng tại Hội nghị, có nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các ban, ngành liên quan xoay quanh vấn đề mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực trạng và giải pháp trong việc tập trung nâng cao ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất. Các đại biểu nêu ra những khó khăn, tồn tại cũng như những băn khoăn kiến nghị đều được chia sẻ và giải đáp.

Trong khuôn khổ Hội nghị, lễ ký kết hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, Sở GD&ĐT Sơn La, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cùng công ty CP giống bò sữa Mộc Châu, Công ty Du lịch 26 Mộc Châu cũng được diễn ra.

Loan Dương