00:00 Số lượt truy cập: 3016006

Lạng Sơn đưa chính sách giảm nghèo đến người dân 

Được đăng : 13/11/2023

phung-ha

 
Vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ cây quế ở Tràng Định, Lạng Sơn

 

Là tỉnh vùng cao biên giới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, đưa chính sách đi vào đời sống, để nhân dân hiểu rõ và tích cực hưởng ứng, tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, ý nghĩa, mục tiêu và các giải pháp thực hiện; nhân rộng, giới thiệu các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu có ý chí vươn lên thoát nghèo; các mô hình, kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với giảm nghèo bền vững.

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các huyện, thành phố thành thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo giai đoạn và hàng năm. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện chương trình, ưu tiên hỗ trợ tham gia dự án, mô hình giảm nghèo với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia dự án, từng bước cải thiện đời sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại...; tích cực tham gia các hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm, cam kết thoát nghèo.

Trong hơn 2 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống kết cấu hạ tầng không ngừng được cải thiện, đầu tư mới, hoàn thành, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,22%; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,32%. Các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực. Tỉnh có 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 42% so với mục tiêu đề ra (dự kiến năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn); 10/25 xã nông thôn mới nâng cao mới (dự kiến năm 2023 có thêm 5 xã); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 3%, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,15% so với năm 2021, vượt 105% so với mục tiêu đề ra; hoàn thành đưa 2 xã là Châu Sơn, huyện Đình Lập và xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia và 14 thôn ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn.
Đến tháng 6/2023, hơn 93% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 1.668 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa; 79% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình; 100% cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo...

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào thực chất, đóng vai trò làm đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên. Qua rà soát năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025 thì tỉnh có tổng số hộ nghèo 23.510 hộ, chiếm 12,20%; hộ cận nghèo 23.248 hộ, chiếm 12,07%. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện tốt. Hỗ trợ y tế cho người nghèo năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 269.316 thẻ BHYT cho đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 214.520 triệu đồng (trong đó 14.344 thẻ hộ nghèo, 20.098 thẻ hộ cận nghèo và 234.884 thẻ người dân tộc thiểu số).

Nhằm giúp người nghèo đa dạng hóa kinh tế, phát triển mô hình giảm nghèo hiệu quả, HĐNĐ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 22/11/2022 quy định về một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Kinh phí được phân bổ cho 11 huyện/thành phố thực hiện các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là 18.433 triệu đồng (ngân sách trung ương là 17.896 triệu đồng, ngân sách địa phương là 537 triệu đồng). Năm 2022, các huyện, thành phố đã phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc cấp xã khẩn trương triển khai giải ngân nguồn vốn được phân bổ, phối hợp với xã xác định thôn và nội dung hỗ trợ, hướng dẫn xã thực hiện triển khai các hộ dân đăng ký đảm bảo đúng đối tượng.

Về hỗ trợ việc làm bền vững, năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

Nhìn chung, việc thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo đã góp phần tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, góp phần ổn định xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. 100% các chính sách giảm nghèo đều đến tay đối tượng và phát huy hiệu quả; những trường hợp phát hiện sai sót trong rà soát hộ nghèo đều có biện pháp chấn chỉnh và chỉ đạo phù hợp. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021, cụ thể giảm từ 12,20% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ, đạt 109% kế hoạch đề ra./.

                      Phùng Hà