00:00 Số lượt truy cập: 3015837

Thực hiện lồng ghép các nguồn lực, góp phần giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng 

Được đăng : 11/11/2023

ha-anh

Người K'Ho ở Lạc Dương trồng cà phê Arabica để nâng cao thu nhập

Trong giai đoạn 2021-2023, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được bố trí 92.116 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 75.898 triệu đồng. Tổng số vốn bố trí kế hoạch đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo là 4.833 triệu đồng; tổng số vốn bố trí kế hoạch thuộc nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình là 87.283 triệu đồng. Tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các sở, ngành, địa phương thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Việc xây dựng Chương trình của tỉnh đảm bảo theo yêu cầu của Trung ương về mục tiêu, nội dung, kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương. Sự quan tâm, đồng lòng và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh là điều kiện tiên quyết giúp cho việc triển khai thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn. Bên cạnh đó, từng cấp, ngành của tỉnh đã chủ động đề xuất, bố trí kinh phí đối ứng của địa phương với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương nhằm đảm bảo quy định tỷ lệ vốn đối ứng trong việc thực hiện dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Kết quả đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hóa, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; 11.601 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%. Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.594 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%. Dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 92%; toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được những kết quả như vậy, công tác tuyên truyền về các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tỉnh Lâm Đồng triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Các đơn vị, địa phương thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách an sinh xã hội và các chương trình, dự án khác đối với vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn xã hội tham gia giúp vùng nghèo, mang lại nhiều kết quả thiết thực và được người dân đồng tình ủng hộ.

Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tỉnh triển khai lồng ghép với các chương trình Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tỉnh tập trung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Việc triển khai các dự án đã đúng đối tượng, khơi dậy tinh thần tự lực, vươn lên của người nghèo. Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo, vay xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở, phát triển kinh tế… đã giúp người dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.

Có thể nói, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn. 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; đẩy mạnh các phong trào thi đua: “xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thiết thực, hiệu quả”, “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Hà Anh