00:00 Số lượt truy cập: 3229941

10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ: các cấp Hội tích cực phổ biến pháp luật cho nông dân 

Được đăng : 03/11/2016

Mười năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, sự phối hợp của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo, tích cực tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị 26, nổi bật là công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho nông dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân.


Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức về chính sách, pháp luật của nông dân ngày một tăng, khắc phục sự hạn chế về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luât của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo sai, vượt cấp, thậm chí ngộ nhận và dễ bị lợi dụng, kích động dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & Môi trường… công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đã có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tích cực.

Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như qua các cuộc hội nghị, tập huấn, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề, qua sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật”, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, qua công tác hoà giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, bản tin công tác Hội… Nội dung tuyên truyền, phổ biến thường tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến nội dung khiếu kiện và pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các quy định pháp luật dùng trong tuyên truyền được biên soạn dưới dạng hỏi - đáp, tình huống, nhiều nơi biên dịch ra tiếng dân tộc, qua đó đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng.

Trung ương Hội Nông dân phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường biên soạn 100.000 cuốn “Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân” phát hành đến cơ sở. Phối hợp với Hội Nông dân, các Sở Tư pháp, các ngành Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra các tỉnh, thành phố tổ chức được 98 lớp tập huấn nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg cho hơn 9.000 cán bộ Hội cơ sở, thành viên các tổ hoà giải và Cộng tác viên CLB “Nông dân với pháp luật” của các cơ sở Hội... giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật và nghiệp vụ để tham gia thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị  26.

Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá được tổ chức rộng khắp ở các cấp Hội với nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với bản sắc văn hoá của từng địa phương được hội viên, nông dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Có những cuộc thi tại xã được truyền thanh trực tiếp đến các thôn, xóm để đông đảo người dân theo dõi (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), có cuộc thi thu hút được hàng ngàn người tham gia (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Nội dung các cuộc thi phần lớn do hội viên, nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở tình hình thi hành pháp luật tại địa phương được biên soạn thành các tình huống sân khấu, vừa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả vừa tạo phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân. Nhiều tỉnh đã mở rộng thi sân khấu hoá pháp luật phạm vi toàn tỉnh như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bình Thuận, Bình Định, Gia Lai, Lào Cai, Hưng Yên, Quảng Trị, Hải Dương, Thanh Hoá... Cùng với các địa phương, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thi tìm hiểu pháp luật Đất đai, bằng hình thức thi viết trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về Thuỷ sản v.v…

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn tổ chức tuyên truyền việc tham gia thực hiện Chỉ thị 26 của các cấp Hội trên Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Website của Hội. Cập nhật kịp thời về: công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân của các cấp Hội; vai trò Hội với công tác hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, nông thôn và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, những nơi có khiếu kiện phức tạp, đông người; hoạt động Hội và đời sống của hội viên, nông dân ở những địa phương có các dự án thu hồi đất nông nghiệp; vai trò của chính quyền trong việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ; những kinh nghiệm của Hội Nông dân các địa phương, kịp thời biểu dương một số điển hình trong tham gia thực hiện Chỉ thị 26... Hình thức thể hiện là những bài viết diễn đàn, phỏng vấn, phóng sự; trả lời thư bạn đọc, hỏi đáp về các lĩnh vực pháp luật: Khiếu nại, tố cáo, Đất đai, Dân sự, Hình sự, Hôn nhân & Gia đình và một số lĩnh vực pháp luật khác gần gũi với đời sống nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật được các cấp Hội quan tâm, đẩy mạnh công tác triển khai và phối hợp thực hiện, từng bước xây dựng, hình thành hệ thống trung tâm tư vấn pháp luật theo Nghị định 77/NĐ-CP của Chính phủ. Trung ương Hội thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho nông dân (năm 2009 đổi tên là Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân); một số tỉnh, thành Hội đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật (Hưng Yên, Nam Định, Lâm Đồng, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang…); cấp xã thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đến nay, hệ thống này đã đi vào hoạt động có hiệu quả với 4 954 CLB Nông dân với pháp luật và 152 920 thành viên, trong đó Trung ương Hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, thành xây dựng được 326 câu lạc bộ và duy trì sinh hoạt thường xuyên thông qua việc xây dựng các mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật đồng thời là tư vấn viên pháp luật tại thôn ấp, bản, vừa tham gia thành viên Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, vừa là thành viên các tổ hoà giải, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động chấp hành pháp luật ở cộng đồng. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, đây là một kênh thông tin giúp Hội nhận và phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Hội Nông dân các tỉnh, thành đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tại địa phương tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý cho nông dân vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là tư vấn pháp luật cho nông dân ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, giúp nông dân giải toả nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự nhất là lĩnh vực đất đai, thu hồi, bồi thường về đất.

Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân Trung ương Hội từ năm 2008 đến nay đã trực tiếp tư vấn 525 vụ việc, tư vấn pháp luật bằng văn bản 432 đơn, tư vấn pháp luật lưu động được 79 cuộc cho gần 4 000 đối tượng là nông dân các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Hưng Yên, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Bà Rịa- Vũng Tàu…

10 năm qua, các cấp Hội đã  phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 1.403.382 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 50 triệu lượt hội viên, nông dân; tổ chức được 8.451 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 588.971 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; gần 4.000 cuộc thi viết và 3.100 cuộc thi sân khấu hoá tìm hiểu pháp luật với 2.519.600 lượt hội viên, nông dân tham gia; cung cấp 2.263.800 cuốn Sổ tay phổ biến pháp luật, bản tin pháp luật và hơn 36 triệu tờ rơi, tờ gấp pháp luật; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật được 306.524 cuộc cho 6.679.494 lượt hội viên, nông dân; xây dựng được 18.288 tủ sách pháp luật với hàng triệu đầu sách pháp luật phục vụ nhu cầu của hội viên, nông dân… từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương./.