00:00 Số lượt truy cập: 3231982

Anh thương binh trở thành tỉ phú 

Được đăng : 03/11/2016

Vốn là người năng động, lại chăm chỉ làm ăn, anh thương binh hạng 2/4 Nguyễn Quốc Trị nay đã có cơ ngơi khang trang; làm chủ nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống làm ăn phát đạt.


Nguyễn Quốc Trị, sinh năm 1950, quê Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm 1969, anh tình nguyện lên đường đi chiến đấu, đầu năm 1970 cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên. Đơn vị anh lúc ấy thuộc trung đoàn 141, Sư đoàn 2 dưới sự chỉ huy của Nguyễn Chơn, người Sư đoàn trưởng nổi tiếng đánh giặc giỏi. Hạ tuần tháng 5/1972, trong trận giao chiến với Mỹ - nguỵ ở thị xã Kon Tum, anh bị thương gãy mấy xương sườn, mảnh đạn làm vỡ con mắt trái, vừa mất nhiều máu lại tê buốt toàn thân nên ngất lịm tại trận địa. May mà đồng đội khi thu dọn chiến trường đã tìm thấy, vất vả lắm mới đưa ra được. Sau lần ấy, anh được chuyển dần ra tuyến sau điều trị, giám định thương tật với tỷ lệ 61%, xếp hạng 2/4 và ra quân về với gia đình.

Vừa chân ướt chân ráo trở về quê hương, anh được Đảng bộ và nhân dân tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp liên tục 8 năm, rồi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, Phó Bí thư Đảng uỷ 2 năm và Chủ nhiệm Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp huyện 11 năm. Trong khi cơ sở đang ăn nên làm ra thì vào những năm 1990 – 1991, Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, những mặt hàng đan lát thủ công bế tắc đầu ra và bị phá sản thảm hại. Xã viên rã đám và ông chủ nhiệm cũng trở về hai bàn tay trắng, còn mang thêm nợ nần, nhiều người hoang mang. Nghĩ đến danh dự và trách nhiệm của một người lính đã trải qua năm tháng trận mạc, anh không cho phép mình chùn bước!

Lần thứ hai anh lại lên đường tìm một nơi thật xa, nhẫn nại xây dựng cơ nghiệp để có được như ngày hôm nay.

Sau nhiều ngày rong ruổi hết tàu hoả đến ôtô, cái gia đình nhỏ lúc này cũng đã tới được điểm tạm dừng chân là thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tá túc tại nhà bạn bè. Lúc này, điều cấp thiết nhất là kiếm cái ăn dù khoai, sắn, bắp, đậu, chuối… để êm cái bụng, mà cũng chỉ mình anh xoay xoả, bởi vợ anh phải trông coi con nhỏ. Anh làm qua nhiều việc: phụ hồ, sửa xe đạp, xe gắn máy… Chị mở quán nhỏ bán tạp hoá nhờ ứng hàng của các cơ sở lớn trả tiền sau. Cứ thế nhen nhóm dần, chi tiêu tằn tiện, kết hợp vay mượn bạn bè, anh chị đã mua được một căn nhà ở ngay thị trấn.

Vốn là một người năng động, khi có động thái Nhà nước mở các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, từ năm 1996 – 1997, anh quyết định bán căn nhà tại thị trấn Long Thành để mua 50 chiếc máy khâu, kết hợp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho nam nữ thanh niên có nhu cầu. Đón trúng nhu cầu thị trường và cơ sở của anh ăn nên, làm ra, nguồn thu nhập có được ngoài cả mong đợi. Khi đã thành công, điều anh ưu tiên hàng đầu là dành một khoản đáng kể để trả món nợ từ quê nhà mà đã lâu cứ ám ảnh, có khi cảm thấy cay đắng, dằn dặt trong tư tưởng. Rồi anh chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ ăn uống cho các nhà máy, xí nghiệp.

Hiện nay, anh chị đứng ra ký hợp đồng, tổ chức phục vụ ăn uống cho 3 xí nghiệp và 1 công ty. Số lượng người ăn thường xuyên lên tới hơn 3.000 người/ngày. Anh Trị cho biết, năm ngoái có ngày cơ sở của anh phục vụ tới 18.000 thực khách vẫn bảo đảm chu toàn, không bị các xí nghiệp phàn nàn gì, do đó uy tín cơ sở của anh ngày càng cao trong khu công nghiệp.

Nối tiếp thành công, anh mở thêm một nhà hàng gắn máy lạnh khá sang trọng mang tên Nhà hàng Sông Thương có thể đón tiếp một lúc hơn 500 thực khách. Không kể giá trị tiền đất, riêng kinh phí bỏ ra để xây cất và trang trí nội thất đã lên tới hơn 1 tỷ đồng. Năm 2004, anh cùng với ba người bạn đứng ra thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Phúc. Cả bốn người chung góp vốn 9 tỷ đồng, bước đầu xây dựng hạ tầng tại Nhơn Trạch. Dự án này đã được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt và ưu tiên đầu tư để sau đó xây dựng nhà bán trả góp. Triển vọng hoạt động của công ty Vạn Phúc đầy hứa hẹn.

“Mặc dù công việc làm ăn giữa một đô thị mới đang nhiều triển vọng như vậy, nhưng mảnh đất chiến trường xưa đang vẫy gọi, hay trong tâm thức thiêng liêng đồng đội năm nào thúc giục cũng không biết nữa”, anh Trị nói vậy. Nên năm ngoái anh quyết định đi khảo sát và mua một trăm héc-ta đất tại tỉnh Đắk Nông để trồng cây, gây rừng và có thể chăn nuôi đại gia súc trong tương lai.

“Mình được như hôm nay thật là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Nhớ về đồng đội, những người đang khốn khó, giúp đỡ họ được chút nào cũng là bổn phận vậy. Giàu có mà bon chen vị kỷ, chỉ biết mình thôi thì liệu lòng có được thanh thản? Nhiều khi vợ chồng tôi thường nhắc nhau như thế để có sự đồng cảm trong suy nghĩ và việc làm, đồng thời giáo dục cho các con tấm lòng nhân ái, không được quên quá khứ”. Để chứng minh cho lời nói ấy, mấy năm qua, anh vừa là uỷ viên ban chấp hành Hội cha mẹ học sinh trường trung học phổ thông Phước Thiền, đồng thời là “mạnh thường quân” của nhà trường. Vào các dịp khai giảng năm học mới, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, anh thường mang đến trường những món quà tình nghĩa. Đối với Hội cựu chiến binh xã nơi anh sinh hoạt cũng thế, anh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để đi tham quan trở về chiến trường xưa.

Cách nay chưa lâu, anh bàn với vợ tặng một lúc hai căn nhà tình thương cho đồng đội nghèo, một ở xã Vĩnh Thanh, trị giá 7 triệu đồng; một ở xã Hiệp Phước, trị giá 17 triệu đồng. Cả hai xã đều thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Người thân, bà con ở quê hương vào Đồng nai cũng đều được anh cưu mang, chỉ chỗ học nghề và có công ăn việc làm ổn định, nhiều cháu đã trưởng thành.

Để được như ngày hôm nay, anh Trị luôn tỏ lòng cảm phục và biết ơn vợ mình, chị Lê Thị Dung. Chị Dung là một phụ nữ nông dân hiền thực, chân chất, sẵn sàng chia sẻ với chồng lúc khốn khó cũng như khi thành công bước đầu trên con đường mưu sinh, lập nghiệp.