Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, chặng đường đi đến thành công vẫn còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 8.633ha cây ăn quả, sản lượng bình quân đạt 61.000 tấn/năm. Theo tính toán của bà con, thu nhập bình quân từ vườn cây ăn trái đạt 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác. Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất trái cây theo hướng VietGAP như: mô hình thí điểm trồng mãng cầu (na) tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Tân Thành trên diện tích 6ha; quy trình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng;, thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP cũng được triển khai tại Xuyên Mộc, bước đầu thu kết quả tốt.
Ông Phạm Tấn Phước, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, Chủ nhiệm dự án "Xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP" tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) cho biết: "Dự án được thực hiện từ tháng 12/2009 trên diện tích 2ha với 5 hộ tham gia, tổng kinh phí 500 triệu đồng. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ hơn 30% tổng chi phí, được cung cấp giống, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật. Đến nay, các hộ tham gia mô hình đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ để tiếp nhận và chuyển giao những thông tin, kỹ thuật mới, theo dõi tiến độ sản xuất, sản lượng, thời gian thu hoạch... Cây thanh long sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất 10 tấn/ha".
Ông Mai Văn Tiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho biết, trước đây, mỗi gốc thanh long chỉ có khoảng 20 quả, mỗi quả nặng 500-600g, nhưng từ khi sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất và trọng lượng quả tăng 30%, giá bán cao, nhờ đó doanh thu tăng hơn 50 triệu
Theo một số nhà vườn, khó khăn ban đầu để nông dân áp dụng quy trình VietGAP là phải ghi nhật ký sản xuất. |
Không riêng thanh long mà một số loại cây ăn trái khác khi áp dụng quy trình VietGAP cũng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Võ Hồng Bin ở xã Hòa Hiệp (Xuyên Mộc) cho biết: "Hiện, giá nhãn xuồng cơm vàng tại vườn là 20.000 đồng/kg, riêng đối với những vườn nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, giá bán lên tới 30.000 đồng/kg".
Mặc dù hiệu quả thấy rõ, song việc đưa quy trình VietGAP vào sản xuất đại trà đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết bà con đều sản xuất manh mún, thiếu vốn, không thường xuyên tiếp cận thông tin thị trường và kiến thức kỹ thuật nên không mấy mặn mà.
Theo một số nhà vườn, khó khăn ban đầu để nông dân áp dụng quy trình VietGAP là phải ghi nhật ký sản xuất, trong khi lâu nay bà con vẫn làm theo cách truyền thống, trồng cây và chờ đến ngày thu hoạch chứ không chú ý đến việc ghi chép. Ông Tiết cho biết, lúc đầu bà con rất "dị ứng" với VietGAP vì phải thực hiện những yêu cầu thoạt nghe tưởng không liên quan gì đến cây thanh long. Vì vậy, để vận động áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất trên quy mô lớn, ngành nông nghiệp cần xây dựng nhiều mô hình, dự án theo phương thức này. Sau mỗi vụ thu hoạch, cần tổ chức những buổi hội thảo công bố kết quả sản xuất để bà con thấy rõ thu nhập từ những mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn phương thức chăm sóc truyền thống. Khi thấy có lợi, chắc chắn nông dân sẽ tình nguyện tham gia.