00:00 Số lượt truy cập: 2671055

Ba giống ngô mới của Viện Nghiên cứu Ngô 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 4/9/2008, Hội đồng KHCN của Bộ NN- PTNT đã nhất trí thông qua đề nghị công nhận chính thức giống ngô nếp VN6 và giống ngô lai LCH 9, công nhận cho sản xuất thử giống ngô lai LVN184 của Viện NC Ngô thuộc Viện KHNN Việt Nam (VAAS). 

Giống ngô nếp VN6 là giống thụ phấn tự do, được chọn từ tổ hợp lai VN2/Định nếp 48 theo phương pháp bắp trên hàng cải tiến, do nhóm tác giả TS. Phan Xuân Hào và các cộng sự tiến hành từ năm 2001. Giống VN6 đã được công nhận tạm thời theo Quyết định số 3713 QĐ/BNN-KHCN ngày 30/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từ năm 2006-2008, giống VN6 được đưa sản xuất thử tại nhiều vùng trồng ngô trên cả nước đạt kết quả tốt. Giống VN6 có TGST trong vụ đông khoảng 94 ngày, vụ xuân 96-101 ngày, số ngày từ gieo đến thu bắp ăn tươi khoảng 60-80 ngày tùy vụ gieo trồng.

Chiều cao cây khoảng 1,74-1,94 m, đóng bắp thấp khoảng 0,84-0,91 m, hạt dạng đá màu trắng đục. Bắp dài 17,9 cm, đường kính 4,49 cm, có 12-14 hàng hạt, độ kín bắp 1,8-2,0. Nhiễm nhẹ sâu bệnh, chống đổ và chịu hạn khá. So với giống nếp VN2 và một số giống nếp địa phương, giống VN6 có năng suất và chất lượng khá hơn. Năng suất hạt qua khảo nghiệm tại phía Bắc đạt trung bình hơn 40 tạ đến 44,1 tạ/ha, tại Nam Trung bộ đạt 42,7-48,4 tạ/ha. Năng suất bắp tươi đạt từ 80-120 tạ/ha. Một số vùng ngoại thành Hà Nội đã gieo trồng giống VN6 quanh năm làm ngô quà. Từ năm 2005-2008, Viện NC Ngô cùng với Công ty CP giống cây trồng TW và Cty TNHH một thành viên Bảo vệ TV Sài Gòn đã sản xuất và cung ứng trên 200 tấn hạt giống VN6 cho sản xuất thử, ước diện tích gieo trồng khoảng trên 13,5 nghìn ha trên các vùng trồng ngô cả nước. Giống VN6 đã được Hội đồng KHCN của Bộ nhất trí đề nghị công nhận chính thức. 

Giống ngô LCH9 là giống lai đơn giữa dòng CH1 (rút từ quần thể SW5 của Thái Lan) và dòng HL1 (từ CIMMYT) của nhóm tác giả TS. Lê Quý Kha và các cộng sự. Giống LCH9 đã được công nhận tạm thời theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từ năm 2004-2008, giống LCH9 được đưa sản xuất thử tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và ĐBSH với diện tích trên 2 nghìn ha, năng suất đạt 50-70 tạ/ha.

Giống có khả năng chịu hạn tốt, trên vùng đất không tưới vẫn đạt năng suất 56-62 tạ/ha. Giống LCH9 có các đặc điểm: TGST vụ xuân 105-119 ngày, vụ thu 90-95 ngày và vụ đông 110-115 ngày; chiều cao cây khoảng 2,2 m, độ cao đóng bắp 1,0m; chiều dài bắp 20 cm, có 16 hàng hạt, khối lượng 1.000 hạt 320g; tỷ lệ cây 2 bắp 30-40% (có tưới); hạt dạng bán đá, mầu vàng. Giống LCH9 đã được Hội đồng KHCN của Bộ nhất trí đề nghị công nhận chính thức, khuyến cáo sử dụng cho các vùng trồng ngô không có điều kiện tưới nước thuộc các tỉnh phía Bắc. 

Giống ngô LVN84 là giống lai đơn giữa 2 dòng tự phối H4/H18 của nhóm tác giả TS. Phan Xuân Hào và các cộng sự. Dòng H4 có tán lá gọn, ít nhiễm sâu bệnh, chịu hạn, chống đổ khá, năng suất cao và ổn định. Dòng H18 thấp cây, tán lá đứng và ngắn ngày. Giống LVN184 có TGST vụ xuân 110-112 ngày, vụ hè thu 90-95 ngày và vụ đông 100-105 ngày. Chiều cao cây 1,6-1,7 m, độ cao đóng bắp 0,80-0,85m.

Chiều dài bắp 15-17 cm, đường kính bắp 4,5-4,8 cm, số hàng hạt 12-16. Khối lượng 1.000 hạt 300-330g, hạt dạng bán răng ngựa mầu vàng. Kết quả khảo nghiệm Quốc gia 2004-2005 cho thấy giống LVN184 thuộc nhóm ngắn ngày tương đương LVN99. Năng suất 3 vụ khảo nghiệm đạt 50,68 tạ, 59,37 tạ và 59,54 tạ/ha cao hơn giống đối chứng LVN99 và NK4300. Năng suất cao nhất đạt 75,71 tạ/ha tại điểm khảo nghiệm Vĩnh Phúc vụ xuân 2005. Giống LVN184 được đánh giá có triển vọng mở rộng sản xuất. Hội đồng KHCN của Bộ nhất trí đề nghị công nhận cho sản xuất thử.