00:00 Số lượt truy cập: 2692193

Ba mô hình kinh tế mới ở Hoà Phước 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm gần đây, ở xã Hoà Phước (Hoà Vang - Đà Nẵng) xuất hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp và thiết thực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, có ba mô hình nổi bật là trồng nấm rơm, trồng hoa cúc và nuôi cá nước ngọt.


Trồng nấm rơm: một vốn bốn lời

Tuy mới có 9 hộ làm nấm rơm nhưng đây là mô hình thực sự có nhiều triển vọng bởi cách làm không quá khó, chi phí đầu tư không cao nhưng giá trị kinh tế mang lại rất lớn. ông Trần Văn Nhiên ở thôn Nhơn Thọ 2 có đến 7 trại làm nấm. Mỗi năm, ông sử dụng 8ha rơm và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động; mỗi tháng lãi trên 2, 5 triệu đồng. Các ông Phan Thanh Lợi ở Cồn Mong, Trần Viết Nhựt ở Giáng Nam 2; Lê Đình Phương ở Quá Giáng 2,... mỗi người đều có 3 -5 trại nấm. Làm nấm phải qua nhiều công đoạn, từ ủ rơm, pha nước vôi, trộn, gói đến ủ tơ, chất lên kệ, theo dõi, tưới nước cho nấm phát triển. Thời gian sinh trưởng của nấm chưa đầy 1 tháng. Hiện nay, nấm thương phẩm có bao nhiêu cũng bán hết, giá dao động từ 30.000 - 70.000 đồng /kg. Các hộ làm nấm ở Hoà Phước đều kết hợp với trồng trọt - chăn nuôi, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa tạo thêm thu nhập.

Tổ nuôi cá nước ngọt cựu chiến binh

Đây là mô hình hợp tác nuôi cá của 5 cựu chiến binh ở thôn Cồn Mong. Các hộ dùng mành tre chắn một đoạn dài trên sông Phú Quá Giáng (trên 1ha), thả nuôi 4 vạn cá giống (trắm cỏ, chim trắng, chép, mè, trôi). Do nước thường xuyên lưu chuyển, không bị ô nhiễm và có nhiều vi sinh nên cá lớn nhanh. Các hộ còn dựng lán trên bờ, thay nhau trông giữ, dưới chân cầu đặt một chiếc lồng lưới, lúc nào cũng có sẵn cá để bán. Do vị trí nuôi cá gần đường nên ngày nào cũng có người đến xem “cá của các bác cựu chiến binh”. Nhìn đàn cá lượn trong "hồ" và những con cá to quẫy đành đạch trong lồng lưới, ai cũng tấm tắc khen cựu chiến binh là những người “biết làm kinh tế”.

Hoa cúc, cây trồng “vương giả”

Tuy mới “du nhập” đến Hoà Phước mấy năm gần đây (tập trung ở thôn Nhơn Thọ 1) nhưng cây hoa cúc đã chứng tỏ vị thế độc tôn nhờ hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã đã có trên 15ha hoa cúc. Trong số gần 50 hộ chuyên canh hoa cúc ở đây, hai ông Châu Văn Xuân và Nguyễn Ngọc Vinh là người có công đầu trong việc đưa cúc “bén duyên” đất Nhơn Thọ. Hai ông phối hợp canh tác trên 1ha, giải quyết việc làm cho 30 lao động, thu hàng chục triệu đồng /tháng. Theo ông Xuân, trồng hoa không “nặng” nhưng “nhọc”, đòi hỏi phải thật công phu, phải trồng thành nhiều đợt và phải “canh” cho hoa nở đúng dịp rằm, mùng một âm lịch hàng tháng và dịp lễ, tết bán mới được giá. Theo đánh giá của bà con, trồng hoa có thu nhập cao hơn lúa nhiều lần. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư thành phố Đà Nẵng, các hộ trồng hoa ở Hoà Phước đang tích cực phát triển các loại hoa cao cấp như huệ, đồng tiền, cẩm chướng,... hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao.