00:00 Số lượt truy cập: 3230051

Bắc Giang: Câu lạc bộ Đa dạng sinh học - Cùng nông dân làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Tuy mới thành lập song Câu lạc bộ (CLB) Đa dạng sinh học tỉnh Bắc Giang được các nhà chuyên môn đánh giá cao, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Đây là mô hình CLB đầu tiên của cả nước.


Trụ sở của CLB "toạ lạc" tại xã Minh Đức (Việt Yên). Tiếp chúng tôi với nụ cười niềm nở, ông Thân Ngọc Sơn, Chủ tịch CLB cho biết: "Mặc dù xa trung tâm thành phố nhưng đây lại là địa chỉ cho đông đảo nông dân tìm đến". Đúng như lời ông Sơn nói, chỉ sau vài phút nhấp chén trà đã có nhiều người từ các xã của Tân Yên, Việt Yên đến đây học hỏi kinh nghiệm làm giàu. Chủ tịch CLB bận rộn tiếp khách và những cuộc điện thoại gọi đến hỏi về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cây con đặc sản. Nói suông không thể diễn giải hết được, ông Sơn đưa cả đoàn mục sở thị một số địa chỉ làm kinh tế hiệu quả để "mắt thấy, tai nghe".

Trong đoàn có ông Nguyễn Lương Bằng, thôn Ngàn An, xã An Dương (Tân Yên) là thành viên của hội đang có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ. Là nông dân quanh năm cặm cụi làm ăn, bám ruộng, bám đồng với cây lúa, củ khoai mà cái nghèo vẫn đeo bám. Qua nhiều người, ông được biết CLB Đa dạng sinh học là nơi hội tụ nhiều mô hình kinh tế hiệu quả nên làm đơn xin được kết nạp là hội viên CLB. Ngay khi vào CLB, ông ấn tượng với việc nuôi ếch theo hướng trang trại. Được sự giúp đỡ về giống, kỹ thuật của các thành viên trong CLB, ông nuôi thành công loài vật này. Đầu tư nuôi ba nghìn ếch giống, sau ba tháng nuôi, ếch xuất chuồng bình quân đạt 3 - 5 con/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 20 triệu đồng. Ông Bằng cho biết: "Mùa đông, ếch chậm lớn nên khi nuôi cần bố trí hợp lý để thu hoạch vào đầu đông. Chúng rất thích món giun quế, nếu nuôi bằng loại thức ăn này sẽ tiết kiệm được một phần thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện lứa ếch cuối cùng trong năm đã được xuất bán, tôi đang tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi thỏ để áp dụng tại gia đình mình". Đáp ứng mong muốn của hội viên, chúng tôi được ông Sơn dẫn đến thăm mô hình của gia đình ông Phạm Xuân Tuệ, thôn Sứ Gốm, xã Song Mai (thành phố Bắc Giang). Hiện nay, ông Tuệ có 500 con thỏ Niu-di-lân. Thỏ thương phẩm được bán giá 50 nghìn đồng/kg, thỏ giống 120 nghìn đồng/kg được các thương nhân ở Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên về tận nơi thu mua, ước cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Tuệ cởi mở chia sẻ về đặc tính, kinh nghiệm nuôi thỏ cho các thành viên của CLB đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về giống cho hội viên có nguyện vọng nuôi thỏ. Chủ hộ chăn nuôi này cho biết: "Đầu ra cho thỏ cũng không ít lần gặp khó khăn song từ khi gia nhập hội có sự tham gia của các doanh nhân đã giới thiệu khách hàng cho tôi khiến việc tiêu thụ thuận lợi". Còn ông Đặng Văn Vạn, thôn Chàng, xã Việt Tiến (Việt Yên) lại quan tâm nuôi giun quế. Gia đình ông thường nuôi hàng trăm con ngan, gà/lứa, chi phí cho thức ăn, thuốc phòng trị bệnh khá lớn. Luôn mong muốn tìm cách giảm đầu vào cho chăn nuôi, ông nhờ CLB giới thiệu địa chỉ mua giun quế giống và kỹ thuật chăm sóc. Gia đình ông Tống Văn Chấp, thôn Nhân Lễ, xã Song Mai là hộ nuôi giun - cá kết hợp, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Được thị sát mô hình, ông Vạn đã nắm rõ kỹ thuật nuôi cho hiệu quả cao, cách bắt giun cho vật nuôi ăn.

Được thành lập vào tháng 3-2009 với 25 hội viên, đến nay, CLB có 129 thành viên là nông dân sản xuất, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt ở trong và ngoài tỉnh. Ông Sơn cho biết: "Tôi vốn là bác sĩ thú y nên hàng ngày nông dân thường tìm đến nhờ chữa trị hay hỏi cách chăm sóc đàn vật nuôi. Qua đó, tôi thấy nông dân họ nghèo bởi thiếu nhiều thứ như kỹ thuật, thông tin thị trường, giống, vốn. Do vậy, sau nhiều năm trăn trở tôi nghĩ rằng buôn có bạn, bán có phường nên tôi vận động thành lập CLB này". Định kỳ, hội sinh hoạt ba tháng một lần. Tham gia CLB, mọi thắc mắc của hội viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi được các nhà khoa học uy tín giải đáp. Còn đầu ra của sản phẩm được các doanh nhân tư vấn hoặc thu mua trực tiếp. Đơn cử như, tham gia hội có bác sĩ Phạm Minh, công tác tại bệnh viện 103, là người đầu tiên sử dụng thành công tiêm chất kích dục tố nhằm khai thác hiệu quả khả năng sinh sản của vật nuôi. Ví như nhím thường đẻ mỗi lứa 1 - 2 con nhưng khi sử dụng cách này thì có thể đẻ 3 - 4 con/lứa. Với giá bán nhím 5 - 7 triệu đồng/con thì người nuôi rất lãi, trong khi chi phí tiền thuốc không đáng là bao. Hơn nữa, khi có sự tham gia của các doanh nghiệp, sản phẩm của người dân dễ dàng được bao tiêu, tìm đầu ra. Cũng vì lẽ đó, ông Sơn đã tiếp cận với doanh nghiệp Nhật Bản chuyên kinh doanh thịt thỏ ký giao ước tiêu thụ cho hội viên với số lượng lớn. "Doanh nghiệp Nhật Bản họ rất giữ chữ tín, nên tôi đang xây dựng kế hoạch chi tiết từ nguồn giống, chọn hộ và cách chăm sóc theo quy trình thống nhất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì tiếp tục ký hợp đồng cung cấp sản lượng thỏ thương phẩm theo ngày. Làm được như vậy thì nuôi thỏ mới phát triển bền vững" - ông Sơn chia sẻ.

Nhờ có CLB Đa dạng sinh học mà nhiều hội viên được học tập kinh nghiệm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.