00:00 Số lượt truy cập: 3230613

Bắc Giang: Chăn nuôi gà được mùa 

Được đăng : 03/11/2016

So với năm ngoái, năm nay gà thương phẩm trên thị trường trong tỉnh Bắc Giang được giá và luôn giữ ở mức ổn định. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, mỗi lứa gà 1.000 con có tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên thì các hộ có lãi 30 - 35 triệu đồng. Đây là yếu tố khích lệ các hộ đầu tư chăn nuôi gà quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia cầm.


Mặc dù trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua xảy ra tình trạng thiếu điện trầm trọng nhưng ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ không vào đàn để tránh thời tiết nóng bức và tránh "vịt đuổi đồng" cạnh tranh nên mức độ thiệt hại, nhất là đối với các hộ nuôi gà thả vườn là không đáng kể. Giá gà ta thịt sẵn tại thành phố Bắc Giang thời điểm này ở mức 80 nghìn đồng/kg, ở các huyện khoảng 65 nghìn đồng/kg. Nhu cầu vào đàn cao nên các hộ ở khu vực cung cấp nguồn giống cũng gặp thuận lợi. Anh Vương Văn Bình, chủ cơ sở ấp trứng gia cầm ở xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) cho biết: "Trứng giống hiện tại có mức giá 4.000 - 4.500 đồng/quả, 8.000 - 9000 đồng/con gà con, có thời điểm còn cao hơn. Mỗi tháng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 2 vạn con giống. Hiện nay cả đầu vào lẫn đầu ra của lò ấp đều trong tình trạng khan hàng".

Tại huyện Yên Thế, vùng chăn nuôi gà trọng điểm của tỉnh thời kỳ này đang là cao điểm thu hoạch lứa gà vụ hè thu và vào giống gà gối lứa thu đông. Chị Hoàng Thị Hậu ở thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế) cho biết gia đình hiện có 3.000 con gà gồm 3 lứa gối nhau (1000 con/lứa). Giá bán ở thời điểm hiện tại từ 48 đến 50 nghìn đồng/kg gà hơi. Khi được xuất gà, chị chỉ cần gọi điện là có người đánh ô tô đến thu mua gọn. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của huyện về nhiều mặt, những yếu tố thuận lợi trong chăn nuôi thời gian gần đây đã khích lệ bà con đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, tổng đàn gia cầm của huyện liên tục tăng, thời điểm này đạt 4,3 triệu con, sản lượng thịt hơi ước đạt 10 nghìn tấn, tăng 1.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái với tổng giá trị ước đạt hơn 400 tỷ đồng. Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được người tiêu dùng trong cả nước biết đến nên được tiêu thụ mạnh không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà đã vươn ra thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Đặc biệt những khó khăn gặp phải trong chăn nuôi những năm gần đây không làm người nông dân nản lòng mà trái lại đã giúp các hộ có thêm kinh nghiệm ứng phó trước tình hình dịch bệnh và những biến động của thị trường. Chăn nuôi gà giờ đây trở thành nghề chính của đại bộ phận các hộ với tính chuyên nghiệp cao, hình thành các mối quan hệ liên kết, hỗ trợ lẫn nhau từ các khâu đầu vào đến toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng bệnh, tiêu thụ.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 300 cơ sở ấp nở trứng gia cầm, trong đó nhiều cơ sở đầu tư đồng bộ về đàn giống bố mẹ và máy ấp công nghiệp nên khả năng cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh đạt khoảng 70%. Do chăn nuôi quy mô lớn, hàng nghìn hộ đã tự đầu tư máy nghiền thức ăn chăn nuôi, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có nên giảm đáng kể chi phí đầu vào. Tuy nhiên điều đáng nói là mặc dù giá thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn cho gia cầm nói riêng thời điểm này tăng không đáng kể nhưng vẫn là khoản chi phí cao đối với các hộ chăn nuôi do hầu hết lượng ngô - thức ăn chính cho đàn gà vẫn phải nhập từ các tỉnh ngoài như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… với giá trung bình 5.300 đồng/kg. Trong khi đàn gia cầm ở các hộ chăn nuôi quy mô lớn được quản lý tương đối tốt thì tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng dịch bệnh cũng như các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vẫn chưa được quan tâm nên nguy cơ phát sinh, phát tán dịch bệnh vẫn còn khá cao. Vùng cung cấp gia cầm giống đã hình thành nhưng công tác kiểm soát nguồn giống vẫn chưa được áp dụng chặt chẽ. Anh Nguyễn Văn Tú, chủ hộ chăn nuôi gà ở xã Đồng Tâm (Yên Thế) cho biết có những lúc cao điểm anh phải nhập gà giống với giá 10 - 12 nghìn đồng/con và phải đặt trước với chủ lò từ 20 - 30 ngày, sau khi đưa gà về mới tiêm phòng. Đây chính là kẽ hở, tiềm ẩn rủi ro cao cho các hộ chăn nuôi bởi ngoài nguy cơ dịch bệnh, nếu chất lượng giống không bảo đảm, tỷ lệ sống của đàn gà đạt thấp kéo theo chất lượng gà thương phẩm bị ảnh hưởng sẽ lãi ít thậm chí không có lãi.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, chăn nuôi gà tiếp tục thuận lợi và ổn định. Hiện tại đàn gia cầm (chủ yếu là gà) toàn tỉnh Bắc Giang đạt 14,5 triệu con và ước tính đến cuối năm tăng thêm 1 triệu con do nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của người dân có xu hướng tăng, đặc biệt là vào dịp trước và sau Tết nguyên đán nên các hộ nắm bắt cơ hội này để nâng số lượng đàn gia cầm. Để bảo đảm năng suất, hiệu quả chăn nuôi, trước mắt người dân cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về các biện pháp an toàn sinh học; tập trung cao cho phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn cho đàn gà. Hộ chăn nuôi cũng cần nhạy bén trong nắm bắt thông tin về thị trường để chủ động điều tiết tăng hoặc giảm đàn gia cầm thích hợp vào từng thời điểm; chú trọng chất lượng nguồn giống để bảo đảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Công tác kiểm soát vật tư phục vụ chăn nuôi như thức ăn, thuốc thú y; kiểm soát dịch bệnh cũng như khâu lưu thông sản phẩm chăn nuôi cần tiếp tục tăng cường nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trà trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp trên thị trường nhằm tránh thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng. Về lâu dài, ngành nông nghiệp nên có cơ chế định hướng người dân hình thành mối liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi trong tỉnh thông qua duy trì và phát triển diện tích một số cây trồng như sắn, ngô, khoai lang, đậu tương nhằm chủ động một phần nguồn nguyên liệu thức ăn, tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gà an toàn sinh học tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.