Suốt hơn một tháng qua, ngày nào cũng có từ 3 – 4 chiếc xe ô tô tải cỡ vài ba chục tấn chạy dầm dập vào xã Kiên Lao chở sắn ra. Mùa thu hoạch sắn năm nay, người dân Kiên Lao rất phấn khởi, bởi sắn tiêu thụ thuận lợi và được giá cao. Tuy nhiên Đảng uỷ và chính quyền xã lại không ngớt lo âu…
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi về thăm xã Kiên Lao (Lục Ngạn – Bắc Giang). Đây là một trong những xã có diện tích trồng sắn lớn nhất của huyện Lục Ngạn. Chị Đinh Thị Nhớ, cán bộ Khuyến nông – khuyến lâm xã Kiên lao tiếp đón và dẫn chúng tôi từ trung tâm xã vượt qua con đường đất đỏ bụi mù dài khoảng 5 km vào địa bàn thôn Nóng. Vừa đi chị Nhớ vừa tâm sự: các anh thấy đấy, năm nay, cây sắn không chỉ được người dân trồng ở những chân ruộng cao, ở trong vườn bãi mà còn bò lên tận đỉnh đồi cao lấn diện tích rừng. Mặc dù Đảng uỷ - UBND xã và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không được lấn đất rừng trồng sắn nhưng do lợi nhuận cao nên rất khó không ngăn cản được bà con.
Khi chúng tôi vào đến địa bàn thôn Nóng, ông Trần Văn Tập, phó trưởng thôn đã dựng xe máy bên đường chờ sẵn. Niềm nở bắt tay mọi người xong, ông Tập hỏi, các anh muốn vào thăm trung tâm cây sắn trước hay vào nhà bà con? Mình đến thăm nơi bà con sản xuất trước đã. Vậy phải lên đỉnh đồi cách đây vài con dốc nữa…
Quả thật, đứng trên sườn đồi cao phóng tầm mắt rộng ra mới thấy hết được cái gọi là rừng sắn ở nơi đây. Toàn bộ diện tích đồi núi rộng bạt ngàn đều được phủ màu xanh của cây sắn, trên những quả đồi chỉ còn lại lác đác những vạt rừng. Thôn Nóng có 192 hộ dân, hộ nào cũng trồng sắn, nhà trồng ít nhất cũng có 4 sào, nhà nhiều có 2 – 3 ha. Theo số liệu thôn thống kê báo cáo lên xã thì cả thôn chỉ trồng 70 ha sắn nhưng thực tế diện tích đó còn lớn hơn nhiều. Ông Tập phấn khởi cho biết: Trong ba năm gần đây, nhờ có cây sắn mà nhiều hộ dân trong thôn không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhất là vụ sắn năm 2010, thôn đã có hàng chục hộ thu nhập được trên 100 triệu đồng từ cây sắn, tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Thiệu, Lý Văn Trọng, Lâm Văn Cửu, Trần Văn Cường… . Năm nay, thời tiết thuận lợi cho cây sắn sinh trưởng và phát triển nên năng suất đạt cao, trung bình mỗi sào được hơn 1 tấn củ, theo giá bán sắn thương phẩm hiện nay, mỗi sào bà con thu về được hơn 2 triệu đồng tiền sắn. So với cấy lúa thì trồng sắn nhàn hơn và lợi nhuận thu về cũng cao hơn.
Xã Kiên Lao có hơn 70% số dân là đồng bào dân tộc Sán Chí sinh sống. Do địa hình của xã có nhiều đồi núi và phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp không thuận nước nên bao đời nay, cây sắn luôn gắn bó mật thiết với bà con và thực tế nó đã trở thành một trong những cây mang lại thu nhập chính cho nông dân. Tuy vậy, nhưng trước kia do bà con sản xuất bằng giống sắn địa phương cho năng suất thấp, cộng với giá cả của củ sắn thương phẩm không cao nên diện tích sắn ở Kiên Lao chỉ có khoảng 100 ha/năm. Những năm gần đây, với việc đưa giống sắn cao sản vào sản xuất và giá thu mua sắn thương phẩm tăng cao đưa cây sắn lên ngôi, thì phong trào trồng sắn ở Kiên Lao đã phát triển rất mạnh, nhà nhà trồng sắn, người người trồng sắn. Bởi vậy diện tích cây sắn cũng tăng theo từng năm. Nếu như năm 2010, toàn xã ước tính chỉ có khoảng 300 ha sắn thì đến năm 2011 đã tăng lên hơn 500 ha.
Sắn của người dân Kiên Lao được sấy khô chuẩn bị tiêu thụ
Thời điểm này đang trong mùa thu hoạch sắn, nên các hộ dân trong xã nhà nào cũng tất bật với các công việc khai thác củ, thái và sấy sắn… Cũng bởi bà con trồng sắn với diện tích lớn từ nhiều năm nên nhà nào trong xã cũng có lò sấy sắn. Củ sắn được người dân khai thác về gột vỏ, thái nhỏ ra và quẳng lên lò sấy. Thời gian sấy sắn chỉ mất một đêm, củ sắn tuy còn ôn ốt (chỉ 1,8 kg sắn tươi đã được 1kg sắn ốt) nhưng các tư thương đã thu mua với giá 4,6 nghìn đồng/kg. Suốt thời gian hơn 1 tháng qua, ngày nào cũng có 3 - 4 chiếc xe ô tô tải to cỡ vài chục tấn/xe chạy dầm dập vào trong xã thu mua sắn của người dân để mang sang Trung Quốc tiêu thụ. Không thể phủ nhận được rằng, trong những năm gần đây, việc phát triển diện tích cây sắn đã giúp cho nhiều hộ dân trong xã Kiên Lao được đổi đời. Tuy nhiên để cây sắn phát triển ào ạt như hiện nay và đặc biệt là việc sắn lấn rừng thì là điều rất đáng lo ngại. Bởi trồng sắn không chỉ hại đất, làm đất bị rửa trôi, bạc màu mà còn là nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra lũ quét…
Trao đổi với lãnh đạo xã Kiên Lao được biết: sở dĩ diện tích cây sắn của xã tăng mạnh là do hai năm gần đây, hầu hết các hộ dân trong xã đều xin khai thác gỗ keo và bạch đàn từ diện tích rừng giao khoán, loại đất 02 – rừng thuộc dự án 327 và 661, cây đã đến tuổi được khai thác gỗ với mục đích trồng lại rừng mới. Riêng diện tích đất 02 này đã rơi vào khoảng 200 ha. Tuy nhiên sau khi khai thác rừng xong thay vì việc trồng rừng ngay thì bà con lại tận dụng đất để trồng sắn. Không những vậy, nhiều hộ dân trong xã còn phá bỏ diện tích vải thiều kém chất lượng đi để trồng sắn và thực tế đã có một số hộ dân lén lút vén cả rừng phòng hộ để trồng sắn. Điều đó khiến cho công tác quản lý rừng trong xã rất khó khăn. Năm 2010, UBND xã đã lập biên bản giao cho Hạt kiểm lâm huyện xử lý đến 30 trường hợp người dân vi phạm, đồng thời UBND xã đã ban hành các văn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định bảo vệ rừng và không phát triển diện tích cây sắn ào ạt. Tuy nhiên vì lợi nhuận trước mắt từ cây sắn đem lại nên rất khó vận động. Không chỉ tuyên truyền vận động người dân trồng lại rừng, cán bộ khuyến nông – khuyến lâm xã còn cấp giống cây rừng và phân bón để bà con trồng rừng nhưng họ xin khất lại một năm để trồng sắn…
Theo quy định của Nhà nước thì từ khi khai thác gỗ xong trong vòng 12 tháng người dân phải trồng lại rừng, nếu không sẽ bị xử lý và tịch thu lại diện tích giao khoán. Nhưng ở Kiên Lao hầu như chưa có hộ dân nào thực hiện việc trồng lại rừng mà thay vào đó là người dân trồng sắn. Đây là việc làm rất đáng nguy hại. Bởi vậy UBND xã và các ngành chức năng cần tích cực vào cuộc, thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động và kiểm tra và xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, tránh để tình trạng người dân sử dụng đất 02 để trồng sắn trong nhiều năm thì không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và hậu quả về thiên tai sẽ rất khó lường.