Về cánh đồng lúa của xã Lãng Sơn những ngày này, chúng ta sẽ khó gặp được hình ảnh những người nông dân kẽo kẹt vất vả kéo lúa từ đồng về làng hay những chiếc xe trâu, xe bò lững thững đi dưới trời nắng oi ả. Thay vào đó là hình ảnh xe công nông, xe máy, ô tô tải tấp nập nối đuôi nhau chở thóc về khi đã đóng bao gọn gàng. Trên ruộng, chiếc máy gặt đang thoan thoắt "ngoặm" từng cụm lúa đưa vào guồng máy xử lý để rồi đóng gói thành từng bao thóc sạch sẽ.
Sau dồn đổi ruộng đất, cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi
Chị Trịnh Thị Liên ở thôn Ngọc Lâm vui vẻ tâm sự: "Gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu ruộng (3600m2). Những năm trước có tới cả chục ô cách xa nhau. Mỗi khi đến mùa vụ phải huy động hết nhân lực tập trung cấy, gặt đến nửa tháng mới xong. Nhưng vụ này, nhờ có ruộng rộng, tôi thuê máy gặt chỉ 30 phút đã xong gần 4 sào (1 sào = 360m2) . Thóc đóng bao gọn gàng chỉ việc mang về phơi, tiện và nhàn hơn rất nhiều". Chị Liên cho biết, sau dồn điền đổi thửa gia đình chị chỉ còn có 2 thửa. Để tăng thêm thu nhập, chị mượn thêm gần 1 mẫu ruộng của họ hàng đi xa để sản xuất. Tuy nhiên, thay vì trước đây ngày ngày phải còng lưng để cấy từng cây lúa thì trong vụ chiêm xuân này, toàn bộ diện tích chị Liên đều áp dụng phương pháp sạ tay, giảm 2/3 ngày công lao động cho gia đình. Theo chị Liên, mặc dù năm nay thời tiết có nắng nóng kéo dài, khó khăn trong công tác tưới tiêu nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá, tương đương với năm ngoái, trong đó những diện tích áp dụng gieo sạ cho năng suất cao hơn phương pháp cấy truyền thống, điển hình như lúa Khang dân 18 đạt khoảng 2,5 tạ/sào, lúa BC, Thiên ưu 8 đạt gần 3 tạ/sào.
Khác với chị Liên, gia đình anh Hoàng Văn Huấn ở thôn Đông Thượng vụ này bốc thăm vào ô thửa ruộng trũng, vừa qua do mưa lớn, nước sâu nên máy gặt không vào được, anh phải thuê người gặt. "Nhưng nhờ có đường to, máy phụt lúa, công nông xuống tận đầu bờ ruộng chở thóc nên giảm công gánh, công chở đáng kể. Gia đình tôi không phải vất vả sớm tối như trước đây nữa" - anh Huấn khẳng định. Được biết, trong 9 thôn của xã Lãng Sơn thì Đông Thượng là thôn thực hiện dồn điền đổi thửa nhanh và xong sớm nhất. Ngay khi có chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo chương trình của thôn đã tiến hành tổ chức họp bàn nhiều lần, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của dân về lợi ích của chương trình, trực tiếp tổ chức tham quan, học tập mô hình dồn đổi ở các xã lân cận để giới thiệu đến người dân địa phương... Từ đó sớm có được sự đồng thuận, nhất trí cao của bà con trong làng, vì vậy kết quả sớm đạt như mong muốn.
Còn tại thôn Tân Mỹ, với số dân đông gấp đôi thôn Đông Thượng nên công tác dân vận gặp nhiều khó khăn. "Hơn nữa trình độ dân trí của một số hộ còn hạn chế, hiểu biết nông cạn, chỉ nghĩ đến cái lợi cá nhân trước mắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện chương trình. Tiểu ban chỉ đạo của thôn phải vào cuộc tích cực, sớm tối ngày đêm tính toán hợp lý để làm sao chia ruộng ở mức công bằng nhất" - ông Nguyễn Ngọc Sơn, thành viên của Tiểu ban chỉ đạo thôn Tân Mỹ cho biết. Với quyết tâm cao, cuối năm 2014, toàn thôn Tân Mỹ đã thực hiện giao ruộng xong ngoài thực địa cho bà con ở khu đồng dưới. Hiện 9/9 thôn của xã Lãng Sơn đều đã hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa để gieo cấy trong vụ chiêm xuân năm 2015, mỗi hộ chỉ có từ 1-2 thửa đúng theo kế hoạch của UBND xã đề ra. Tiêu biểu có một số thôn thực hiện xong cả khu đồng trên là Đông Thượng, Trại Thượng, Ngọc Lâm, Tam Sơn và Mỹ Tượng.
Cùng với dồn điền đổi thửa, xã còn tiến hành tu bổ gần 5.000 m đường giao thông, kênh mương nội đồng, mua và làm mới 1.200 tầm cống các loại. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,4 tỷ đồng.
Trước những kết quả đạt được của xã, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng khẳng định, Lãng Sơn là một trong những xã điển hình trong công tác dồn điền đổi thửa. Thành công ấy sẽ tạo đà để xã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, định hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, mở rộng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa tập trung theo yêu cầu của thị trường.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình dồn điền đổi thửa, ông Nguyễn Đức Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết: "Đây là một chủ trương lớn, hợp lòng dân nên hiệu quả tích cực, rõ rệt ngay từ vụ sản xuất đầu tiên. Sau dồn đổi, cơ giới hóa được ứng dụng nhiều giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng so với trước đây khoảng 15%. Quan trọng nhất là thay đổi được tư duy của người dân về chuyển đổi mô hình sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang quy mô lớn theo hướng phát triển bền vững". Được biết, chủ trương dồn điền đổi thửa của xã Lãng Sơn đã nhen nhóm từ những năm 2000. Song do chính sách, kinh phí giới hạn, quy hoạch đường giao thông nông thôn chưa phù hợp, nhận thức của nhân dân chưa cao nên chương trình chưa thực hiện được, nhiều hộ gia đình có từ 8-10 thửa và còn nhiều ruộng có diện tích nhỏ từ 24-36 m2. Phải đến năm 2013, cùng với Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết tâm cao của Đảng bộ, nhân dân xã Lãng Sơn thì chương trình dồn điền đổi thửa mới được thực hiện xong và đạt kết quả cao. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã sớm về đích. Và mục tiêu của Đảng ủy, UBND xã Lãng Sơn phấn đấu đến năm 2017-2018 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phúc
Trung tâm KNKN Bắc Giang