Từ thị trấn Ðồng Lê, mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm đến trang trại chăn nuôi của vợ chồng anh Lê Mạnh Hùng ở xã vùng cao Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Bao nhọc nhằn của chuyến đi hầu như tan biến khi nghe chủ hộ khoe: nhờ vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH mà gia đình đã thoát nghèo, tích cóp được chút vốn làm ăn.
Anh Hùng cho biết, vợ chồng anh mới hơn 30 tuổi, lần đầu ra ở riêng qua năm năm, lại lập nghiệp ở vùng núi cao khó khăn vất vả lắm, nhưng nhờ có đồng vốn Nhà nước tiếp sức cùng với sự lao động cần cù, đến nay đã có "của ăn, của để". Lưng vốn của hai vợ chồng đến nay có vài trăm con lợn thịt, 70 con lợn nái, với quy mô chăn nuôi như vậy nhiều hộ chăn nuôi miền xuôi cũng phải mơ ước. Trên diện tích hơn 2.000 m2 đất đã xây dựng hệ thống chuồng trại hoàn chỉnh, kiên cố, đủ điều kiện nuôi khoảng 500 con lợn thịt. Ba năm lại nay, mỗi năm, gia đình anh cho xuất chuồng hơn 300 tấn lợn thịt và cả nghìn con lợn giống.
Từ những đồng vốn của ngân hàng cho vay phát triển chăn nuôi, gia đình anh Hùng đang hướng đến mô hình phát triển kinh tế bền vững tiến tới làm giàu. Mô hình này đã có sức lan tỏa, gia đình anh đã giúp các gia đình nghèo khác theo cách bán con giống và thức ăn trả chậm. Ngoài ra, anh Hùng còn là người hướng dẫn kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh và trực tiếp tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng...
Ở thị trấn Ðồng Lê, chúng tôi gặp các anh Cao Thanh Vân, Thái Thiên Lương và một số hộ gia đình được vay vốn phát triển kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi. Nhờ có vốn ưu đãi của NHCSXH mà cả nghìn ha rừng keo đã được trồng, chăm sóc đang khép tán xanh ngắt ngay trên vùng "đất chết" Ðồng Lê do hậu quả bom đạn chiến tranh để lại.
Ðến thăm các mô hình phát triển chăn nuôi, chế biến thủy hải sản, hay trồng rừng... ở các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Lệ Thủy, TP Ðồng Hới, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi về đời sống của người dân nghèo khi họ được vay vốn để phát triển kinh tế.
Ông Trần Xuân Dưỡng làm nghề thợ xây ở xã Quảng Liên (Quảng Trạch) nhờ năm triệu đồng vốn vay của NHCSXH cùng với vốn gia đình tích lũy đã cải tạo 4.000 m2 ao hồ, dần trở thành ông chủ đồng tôm, mỗi năm thu lãi vài chục triệu đồng...
Cũng từ bảy triệu đồng vốn vay ban đầu của NHCSXH Quảng Trạch, hộ thương binh nghèo Nguyễn Ðức Hinh ở thôn Diên Trường, xã Quảng Sơn đầu tư vào chăn nuôi bò, cuộc sống dần ổn định. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn nên ông Hinh tiếp tục được ngân hàng cho vay hơn 40 triệu đồng để đầu tư cho bốn con học đại học, cao đẳng và đi xuất khẩu lao động.
Ông Hinh cho biết: Qua tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, NHCSXH thật sự là "bà đỡ" cho những hộ nghèo.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Quảng Bình Nguyễn Hữu Lướng cho biết: Sau năm năm đi vào hoạt động, NHCSXH Quảng Bình đã thiết lập được mạng lưới hoạt động trên toàn tỉnh, vươn tới tận 100% các xã vùng sâu, vùng xa với 2.411 tổ tiết kiệm và vay vốn; thiết lập được 131 điểm giao dịch, trong đó 124 điểm giao dịch lưu động tại các xã rất tiện lợi cho bà con khi vay vốn. Trong năm năm qua, NHCSXH Quảng Bình đã cho 130 nghìn lượt hộ nghèo, hộ chính sách vay với số tiền 870 tỷ đồng. Các hộ vay đều cơ bản sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả và trả nợ đúng hạn.
Ðến hết năm 2007, tổng dư nợ đạt 668 tỷ đồng với 95.700 khách hàng; chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần chỉ còn 0,94%... Qua khảo sát, đồng vốn đầu tư của Chi nhánh NHCSXH Quảng Bình được tập trung vào tám chương trình cho vay gắn với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm cho gần 63.600 lao động, giúp thoát ngưỡng nghèo đói cho 42.500 hộ. Có 11.350 học sinh, sinh viên được vay vốn để tiếp tục cơ hội học tập và hơn 1.500 người vay vốn để xuất khẩu lao động...
NHCSXH Quảng Bình đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Thông qua cho vay hộ nghèo đã góp phần hạn chế nạn vay nặng lãi, cầm cố ruộng đất, bán lúa non, chặt phá rừng, bỏ học... bảo đảm phát triển đồng đều giữa các vùng, từ đó góp phần ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Lựa cho biết: Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu do ngân sách Nhà nước cấp và các tổ chức cho vay ưu đãi, không phải chịu áp lực về huy động nhưng trong thời gian tới NHCSXH cần có biện pháp đẩy mạnh việc huy động vốn từ dân cư để tăng quy mô tín dụng. Mặc dù chất lượng tín dụng được nâng lên, song nguy cơ rủi ro vẫn còn lớn, do các hộ vay vốn không có tài sản thế chấp, trình độ quản lý còn thấp, ngân hàng cần có chế tài và công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn đồng vốn cho vay.
Do thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, các khoản vay nhỏ, trải rộng nên thủ tục cho vay còn rườm rà, phức tạp và có xu hướng hành chính hóa. Chưa kể đến do quy mô mạng lưới rộng, công tác quản lý khó khăn đối với ngân hàng.
Ngoài sự điều chỉnh kịp thời cơ chế nghiệp vụ của ngân hàng, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự chỉ đạo hỗ trợ kịp thời, chia sẻ trách nhiệm, làm tốt khâu xét duyệt cho vay và thu hồi nợ. Việc cho vay cần bám sát các chủ trương, chính sách của địa phương, bảo đảm phát huy hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương...