00:00 Số lượt truy cập: 2673048

Bao giờ có cánh đồng mía lớn? 

Được đăng : 03/11/2016

Để đảm bảo hoàn thành việc triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn do Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị, đến năm 2015, diện tích mía tại Tây Ninh sẽ đạt trên 36.300ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này trở nên khó khăn bởi nhiều phát sinh.


Nông dân Tây Ninh thu hoạch mía.

Bài 1: Trồng cây gì có lợi ?

Do thu nhập từ sắn (khoai mì) cao hơn nhiều so với mía nên nhiều hộ dân ở Tây Ninh đã chặt bỏ mía để chuyển sang trồng sắn, bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Đua nhau trồng sắn

Theo một số hộ dân tại ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, hiện trồng sắn cho thu nhập gấp đôi trồng mía mà lại ít tốn công sức hơn. Giá sắn lát trong thời gian qua khá ổn định nên bà con có thể lãi 50-70 triệu đồng/ha/vụ. Không chỉ thu lời từ sắn củ, nhiều phụ phẩm khác của cây sắn cũng tạo ra nguồn thu đáng kể. Hiện, các doanh nghiệp (DN) chế biến thức ăn gia súc và cồn ethanol đang thu mua gốc sắn băm nhỏ với giá 800-1.000 đồng/kg. Mỗi hecta sắn thu được 3-4 tấn gốc, trị giá khoảng 2,8-3 triệu đồng.

Ở một số địa phương thuộc huyện Tân Châu, bà con còn tận dụng lá sắn để nuôi tằm, lấy kén bán cho các DN dệt. Bình quân, 1ha sắn có thể hái được 5 tấn lá/năm, đủ nuôi 30 hộp trứng tằm. Mỗi hộp trứng do Chi nhánh Xí nghiệp Dâu tằm tơ Lộc Đức cung cấp có giá 10.000 đồng, có thể làm ra 2kg vỏ kén. Như vậy, nhờ việc hái lá nuôi tằm mà 1ha sắn bà con thu thêm khoảng 8-9 triệu đồng. Tính chung cả tiền bán củ, cây giống, gốc và hái lá nuôi tằm, người dân thu lời không dưới 90 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so với 1ha mía.

Lợi bất cập hại

Tuy nhiên, việc bỏ đất mía để chuyển sang trồng sắn một cách ồ ạt cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do việc tiêu thụ sắn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, lại chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch nên bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra tình trạng dồn ứ hàng, bị thương lái ép giá.

Chưa kể, nếu liên tục trồng sắn sẽ nhanh chóng dẫn tới suy thoái nghiêm trọng dinh dưỡng đất.

Anh Nguyễn Hữu Điệp, cán bộ khuyến nông ở Tân Châu cho biết: "Đất triền trảng thấp không nên trồng sắn và cao su mà thích hợp nhất là trồng mía. Vì vụ mía thu hoạch trước khi có nước lũ, nếu đầu tư chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao".

Thực tế là, tại huyện Tân Châu, hàng chục hecta sắn ở xã Tân Hội hiện đang bị ngập trong nước do các đợt mưa lớn liên tiếp. Một số gia đình phải thuê nhân công móc rãnh, đào mương để thoát nước, chi phí đầu tư đội lên nhiều lần mà chưa chắc có "ăn" vì chỉ cần ngập sâu vài ngày là đất trồng sắn sẽ sủi phèn, làm úa lá, cây còi cọc không cho củ hoặc nếu có củ cũng sẽ bị thối.

Niên vụ 2011- 2012, diện tích mía ở Tây Ninh tiếp tục giảm so với năm trước đến hơn 1.100ha. Cụ thể, tổng diện tích mía do Nhà máy Đường Biên Hoà - Tây Ninh đầu tư chỉ đạt khoảng 6.100ha, thấp hơn năm trước trên 600ha; tổng diện tích mía do Công ty cổ phần Bourbon đầu tư chỉ đạt 11.500ha, giảm hơn vụ trước khoảng 500ha. Ước tính, hơn 500ha đất mía ở Tây Ninh được nông dân chuyển sang trồng sắn.


Bài 2: Tăng đầu tư để giữ
vùng nguyên liệu mía