00:00 Số lượt truy cập: 3229292

Bất cập trong quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ở Bình Thuận 

Được đăng : 03/11/2016

 Hàng trăm người dân thuộc xã Lộc Nam (Bảo Lâm - Lâm Đồng) đang có nguy cơ trắng tay vì diện tích đất mà họ nhận chuyển nhượng, canh tác bấy lâu nay đã bị Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) La Ngà (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận) thu hồi để trồng rừng mà không hề có chính sách đền bù.


Bài 1: Phá cây trồng của dân để lấy đất?

Vượt hơn 250km từ TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm), nơi hàng chục hộ dân đang rất bức xúc vì họ trồng cây gì thì bị phá cây đó. Thậm chí, nhiều hộ vét hết vốn liếng được vài chục triệu đồng đầu tư trồng càphê nhưng lại bị BQLRPH La Ngà cho người phá sạch.

Dân không chịu thì phá

Lộc Nam là xã nghèo, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào cây mì (sắn), càphê... Khó khăn càng chồng chất khi họ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất canh tác với lý do, diện tích đất này do BQLRPH La Ngà quản lý. Mặc dù trước đó, vào những năm 1997-2000, bà con đã nhận chuyển nhượng đất ở khu vực bìa rừng để sinh sống và canh tác.

Điều đáng nói là BQLRPH La Ngà thu hồi đất canh tác của bà con nhưng không hề có chính sách hỗ trợ hay đền bù. Nhiều lần người dân Lộc Nam làm đơn nhờ các cơ quan chức năng can thiệp, nhưng vụ việc kéo dài đã lâu mà vẫn chưa đi đến hồi kết.

Bà Võ Thị Phụng ở thôn 1, xã Lộc Nam bức xúc nói: "Gia đình tôi có 3ha đất trồng càphê, mì, chuối, cả nhà mấy miệng ăn đều trông chờ vào đó. Nhưng từ năm 2003 đến nay, chuối thì bị chặt, càphê, mì bị nhổ sạch, ngay cả chòi canh cũng bị đốt, cứ đà này thì không biết chúng tôi lấy gì để sống".

Cùng cảnh ngộ, anh Phạm Công Lý ở thôn 10 cho biết: "Ở đây bà con chủ yếu thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của cả gia đình tôi đều trông chờ vào 8ha đất, khi chưa phân chia ranh giới chúng tôi làm ăn rất yên ổn. Nhưng từ năm 2003, khi BQLRPH La Ngà tiến hành dựng trạm để quản lý rừng thì chúng tôi trồng cây gì cũng bị phá sạch".

Lực bất tòng tâm

Anh Nguyễn Văn Hiền ở thôn 3 cho biết, năm 2000, gia đình anh mua đất về buôn Măng Tố để làm ăn sinh sống. Khi đó việc mua bán đất đai thuộc RPH La Ngà diễn ra một cách công khai và chỉ ký giấy tay với nhau. "Hầu như những diện tích mà chúng tôi mua trước đây là của bà con buôn Tà Ích, lúc đó chính quyền địa phương cũng chưa ngăn cấm. Nhưng sau khi trạm của BQLRPH La Ngà mọc lên thì cuộc sống của bà con chúng tôi bị đảo lộn. Nhiều lúc phải nhìn cây của mình bị phá mà cũng đành bất lực".

Chị Trần Thị Thanh Nga ở thôn 7 than thở: "Gia đình tôi tích cóp, vay mượn được 30 triệu đồng đầu tư trồng càphê, sau 2 năm càphê bắt đầu cho quả bói, ấy thế mà cứ vài tuần lại có một tốp người tự xưng là người của BQL RPH La Ngà đến "đe" chúng tôi, không cho làm nữa".

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trên diện tích đất thuộc sự quản lý của BQLRPH La Ngà đang có trên 100 hộ dân làm ăn, sinh sống. Khi UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định thu hồi, nhiều gia đình đã giao lại đất với hy vọng, các cấp ngành sẽ có chính sách đền bù, hỗ trợ thỏa đáng. Nhưng bà con càng chờ, càng hết hy vọng...

Bài 2: Biến rừng thành đồi sắn