00:00 Số lượt truy cập: 3234274

Bẽ bàng ''duyên'' bí đậu! 

Được đăng : 03/11/2016
Ban đầu làm dâu, bén rễ ở đất Cù lao Thạnh Hội (Tân Uyên-Bình Dương), cây bí đậu nhãn hiệu hai mũi tên đỏ của Công ty Liên doanh giống Đông Tây xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn (TP.HCM) ví như rể hiền dâu thảo. Bởi bí mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân nghèo Thạnh Hội.

Mùa vụ đầu tiên, bí nhanh chóng sinh sôi, nẩy nở, mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng cho nông dân. Những tưởng bí đậu kết duyên lâu bền, vậy mà bao nhiêu niềm tin yêu hy vọng, duyên nợ của hạt bí đậu hai mũi tên đỏ và nông dân ở đây tan vỡ trong tiếc nuối của người nông dân nghèo. Lỗi tại ai?

Mối tình 65 ngày

Ông Châu Văn Việt ở ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội yêu bí đậu hai mũi tên đỏ như người tình trăm năm. Bởi thế, đã 10 năm rồi dù là hạt dưa leo, bí đao chanh hay khổ qua và bí đậu có nhãn hiệu hai mũi tên đỏ ông cũng yêu mến nâng niu ươm mầm trên mảnh đất nhà mình.

Tình duyên lâu ngày sâu nặng, ông đành bỏ vùng đất Tiền Giang cha sinh mẹ đẻ để tìm đến Cù lao Thạnh Hội, vun đắp tình yêu với cây bí đậu ngày càng sâu đậm hơn. Thế là từ một nông dân chỉ biết canh tác vài sào ruộng ít ỏi ở Tiền Giang, ông nhanh chóng thuê 2ha đất ở Cù lao Thạnh Hội để gieo mầm bí đậu.

Đôi uyên ương Châu Văn Việt và bí đậu hai mũi tên đỏ đẹp như mơ. Chỉ 65 ngày đầu cùng nhau đến Thạnh Hội, 1ha bí đậu giúp ông Việt có thu nhập hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí tất cả lời cũng trót gần 30 triệu đồng. Ông Việt cho biết, chỉ 65 ngày có mấy chục triệu ai mà không mê. Chuyện duyên tình ông Việt và hạt bí đậu sâu đậm nhanh chóng lan rộng khắp nơi cả trong lẫn ngoài tỉnh Bình Dương vào những tháng cuối năm 2007.

Với sự “chủ hôn” của Hội Nông dân xã Thạnh Hội, cây bí đậu nhanh chóng làm dâu, bén rễ khắp vùng đất Cù lao Thạnh Hội. Anh Nguyễn Tấn Hùng dành 4.500m2 đất trồng, anh Châu Văn An thì thuê thêm 2ha... Hầu như những ai bám víu đến nghề nông ở Thạnh Hội đều âm thầm mơ tưởng đến hạt bí đậu. Và dĩ nhiên như đôi vợ chồng son, tình duyên ban đầu của họ ngọt như đường mật. Một ha chỉ 65 ngày là có 15 tấn, giá thấp nhất 3.000 đồng/kg, được thị trường chấp nhận, hút hàng rất mạnh. Giá cả có lúc leo lên đến 4.500 đồng/kg, thu nhập có thể được cả trăm triệu/ha/năm nếu giữ giá này. Người dân Thạnh Hội cứ mỗi khi hoàng hôn buông xuống hay lả lướt ánh bình minh thì họ âm thầm, dành hết niềm tin, hy vọng cho hạt bí đậu hai mũi tên đỏ.

Bỏ tình cũ - mơ duyên mới

Thế rồi việc gì đến cũng đến. Tháng 12-2007, ông Việt quyết định mua 160 gói hạt bí đậu, giá 45.000 đồng/gói để về nhà chuẩn bị vụ mới. Để nàng bí tươi tốt, ông bón lót phân hữu cơ vi sinh, mua bạt mới, làm đất bón phân cẩn thận. Song song đó, ông ủ giống ươm mầm. Thời tiết vào mùa gần tết se lạnh, khuyến cáo của cán bộ khuyến nông của công ty là mùa lạnh phải ủ giống đến 8 ngày hạt mới lên đều. Ông Việt và những người nông dân khác gắn kết với bí đậu cũng vậy, đã chờ đến 10 ngày mà nàng bí vẫn bặt vô âm tín. Hạt thì nứt mộng, hạt thì chai ì. Những hạt nẩy mầm thì nông dân đem trồng trên luống bạt. Còn những hạt chưa nẩy mầm họ vẫn tiếp tục nuôi hy vọng, mua bầu về ươm. Thế mà nàng bí như bệnh hoạn chết cúm trong bầu. Còn những hạt nẩy mầm đem trồng cũng èo uột như bệnh nan y.

Thế là duyên nợ của họ đã tan. Ông Việt cùng những hộ nông dân nhiều lần “mắng vốn” đến cán bộ khuyến nông của công ty. Vậy mà khi cán bộ đến, không ra nơi ươm giống, ngược lại đổ thừa những người nông dân không biết cách chăm sóc cho nàng bí. Ông Việt ấm ức nói, ông đã 10 năm trồng hạt giống của hai mũi tên đỏ, đâu phải mới trồng. Kỹ thuật ươm giống ông thuộc lòng như ăn cơm. Nhưng tức nhất là tất cả các hộ trồng bí ở Thạnh Hội đều bị hư trong vụ này.

Lần đầu thất bại, cố kéo duyên tình, đầu tháng 2-2008, nhiều nông dân tiếp tục nối duyên cùng hạt bí đậu của hai mũi tên đỏ. Nhưng nàng bí nhất quyết không nối lại duyên tình. Hàng chục triệu đồng công cán chăm sóc, bón phân nhưng đồng ruộng vẫn như bến đợi. Nàng bí đậu nhãn hiệu hai mũi tên đỏ đang nói lời chia tay cùng nông dân Thạnh Hội.

Ông Châu Văn Việt tâm sự: “Chúng tôi không mong đợi gì đền bù từ công ty. Chúng tôi rất tin tưởng hạt giống hai mũi tên đỏ. Chỉ mong là công ty bán cho nông dân chúng tôi giống tốt, chất lượng. Cây bí đậu thu hoạch 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 này, đòi hỏi hạt bí đậu phải mọc đồng đều để có trái đồng đều. Nếu không thì thu hoạch lẻ tẻ, rải rác rất khó tiêu thụ. Còn đất đai, vốn liếng phân tro, công cán dễ bị mất. Vậy mà khi hạt bí không lên, công ty không một lời an ủi còn thu gom hết cả hạt lẫn bao bì biến mất cho đến ngày nay”.

Riêng Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, ông Đào Văn Nô thì khẳng định, khâu giống mấy vụ qua ở đây có vấn đề, vì nghề trồng bí đậu đang giúp nông dân thu lợi rất lớn.

Kỹ sư nông nghiệp Phạm Quang Huy - Phòng Phát triển Thị trường Công ty Liên doanh Hạt giống Đông Tây:

Sự cố hạt giống bí đậu là do kỹ thuật

Hạt giống bí đậu trồng ở xã Thạnh Hội, Tân Uyên là hạt giống do chúng tôi cung cấp và hướng dẫn nông dân cách trồng ở đây. Ngay sau khi có sự cố hạt giống, chúng tôi đã liên hệ và nhận lại số hạt giống ở đây về kiểm tra. Kết quả kiểm tra hạt giống sau khi ngâm ủ giống vẫn phát triển tốt không gặp sự cố. Chúng tôi cho rằng, sự cố hạt giống bí đậu lên không đều là do bà con ngâm ủ giống không đúng kỹ thuật.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bỏ rơi bà con nông dân, cũng như để bảo vệ thương hiệu, uy tín của công ty, chúng tôi đang có kế hoạch cử 2 cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ giống hạt bí đậu, giúp bà con nông dân Thạnh Hội nắm rõ kỹ thuật trồng bí đậu hơn.