00:00 Số lượt truy cập: 3229359

Bến Tre: Nghêu chết hàng loạt, ngư dân thất thu lớn 

Được đăng : 03/11/2016

Bến Tre có diện tích nghêu thương phẩm lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 7.000ha. Đặc biệt, nghêu Bến Tre đã được Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế công nhận đạt danh hiệu MSC (Chứng nhận thủy sản sinh thái của Hội đồng Quản lý Biển). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nghêu ở đây đang bị chết hàng loạt, gây thất thu gần 400 tỷ đồng.


Hiện tượng nghêu chết bắt đầu từ khoảng tháng 3, đúng vào cao điểm của nước mặn xâm nhập và nắng nóng. Được biết, các bãi nghêu trên địa bàn tỉnh Bến Tre do 10 hợp tác xã (HTX) quản lý, khai thác, tuy nhiên khi thấy nghêu chết, các HTX không khai báo với ngành chức năng mà lại tổ chức bán chạy, khiến mầm bệnh lây lan rộng.

Hầu hết các bãi nghêu ở Bến Tre vào thời điểm này đều vắng bóng người, chỉ còn lại những đống vỏ nghêu trắng xóa. Nhìn bãi nghêu hoang tàn, ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm HTX thủy sản Đồng Tâm (xã Thừa Đức - Bình Đại) cho biết: "Hiện, nghêu của chúng tôi bị chết tới 70%, thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Mọi năm, khi vào mùa nắng nóng cũng xảy ra hiện tượng nghêu chết, nhưng năm nay thì mức độ thiệt hại tăng theo cấp số nhân".

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bến Tre cho rằng: "Nguyên nhân khiến nghêu chết có thể do biến đổi khí hậu, nước mặn, nhiệt độ tăng cao. Để bảo vệ diện tích nghêu thương phẩm trên địa bàn tỉnh cũng như vùng ĐBSCL, các chuyên gia cần sớm tìm ra nguyên nhân gây nghêu chết để có biện pháp giúp bà con chủ động phòng ngừa".

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, tổng diện tích nghêu nuôi bị thiệt hại hiện lên đến 1.600ha, tương đương 14.000 tấn, trong đó có khoảng 3.000 tấn nghêu giống, thất thu gần 400 tỷ đồng. Điều đáng nói là năm nay, nghêu không chỉ chết ở trên bãi cạn mà có cả dưới sâu; không chỉ ở chỗ nuôi dày mà có cả chỗ thưa. Ở ngoài khơi và cả những bãi nằm gần cửa sông, nghêu cũng bị chết.

Bà Phan Thị Chúc, xã viên HTX Đoàn Kết (xã Thạnh Phong - Thạnh Phú) than thở: "Chúng tôi chủ yếu sống nhờ vào nuôi nghêu ở tổ hợp tác. Khi giá nghêu đạt kỷ lục 35.000 - 40.000 đồng/kg thì chúng lại lăn ra chết hàng loạt, khiến cuộc sống của chúng tôi lâm vào khó khăn".

Theo nhận định của Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Minh Hải (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II), nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt là do tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó không loại trừ việc nghêu bị thiếu dinh dưỡng vào mùa khô, khi gặp tác động của biến đổi khí hậu như độ mặn và nhiệt độ tăng cao, nghêu nhỏ sẽ không đủ sức để chống chọi. Bên cạnh đó, qua phân tích các mẫu nghêu thấy có sự hiện diện của vi khuẩn Perkinsus, là một trong số tác nhân gây bệnh cho nghêu. Ngoài ra, việc nuôi nghêu với mật độ dày, con giống chất lượng thấp cũng khiến nghêu dễ phát sinh dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, giải pháp cấp bách lúc này là chính quyền địa phương cần phối hợp với các HTX tiến hành khảo sát mật độ nghêu giống xuất hiện và xác định số lượng nghêu thương phẩm còn lại để san thưa nghêu giống, thu hoạch nghêu thương phẩm trước thời điểm nắng nóng nhằm hạn chế thiệt hại. Đối với những HTX có mật độ nghêu giống dày, số lượng lớn thì cho phép thu hoạch kích cỡ nhỏ hơn. Đồng thời, ngành chuyên môn cần triển khai quan trắc môi trường biển vùng nuôi để có cơ sở xác định ngưỡng độ mặn, nhiệt độ, pH, từ đó có cơ sở khuyến cáo bà con nuôi nghêu phù hợp.

Trước mắt, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo cho các HTX khẩn trương tổ chức thu gom vỏ nghêu, làm vệ sinh bãi nghêu, đồng thời trích quỹ phúc lợi của đơn vị để chăm lo đời sống xã viên. Tỉnh sẽ sớm kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha nghêu bị chết để giúp các HTX sớm phục hồi sản xuất.