00:00 Số lượt truy cập: 2678988

Bèo tây… xuất ngoại 

Được đăng : 03/11/2016
Cây bèo tây, bẹ chuối, bẹ ngô... vốn chỉ là những cây cỏ không có giá trị, nhưng với người dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lại là một nguồn nguyên liệu không thể thiếu để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, giúp người dân trở nên giàu có.


Làm giàu từ bèo tây

Trước kia, người dân huyện Khoái Châu chỉ ra sông vớt bèo nhằm mục đích khai thông dòng chảy. Bó rơm, bẹ chuối chỉ phơi khô để đun nấu. Nhưng nay, nguyên liệu đó đã phục vụ lợi ích kinh tế, giúp người dân thoát nghèo. Nhiều gia đình đã có của ăn, của để. Vụ mùa đã xong, nhưng các hộ dân trong vùng vẫn bận bịu tối ngày. Dọc hai bờ sông, từng đoàn người khom lưng vớt bèo. Một người dân trong huyện nói vọng lên như để giải thích: “Chúng tôi cần thu gom thật nhiều bèo để chuẩn bị cho các mặt hàng sắp tới”.

Nhà chị Nguyễn Thị Mỹ ở thôn Hạ, thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu hôm nay tấp nập hơn mọi ngày. Gia đình chị đang khẩn trương thu gom mẻ bèo tây đã phơi khô để chuẩn bị làm đơn đặt hàng mới. Gia đình chị tham gia vớt bèo, chế biến sản phẩm xuất khẩu từ năm 2003. Thời gian đầu, chị cũng chỉ phơi khô bèo, bẹ chuối để bán cho các công ty. Mỗi cân được 6-7 ngàn đồng. Tổng cộng, chị Mỹ cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, gia đình chị đã nhận đơn đặt hàng và làm sản phẩm tại nhà nên thu nhập của gia đình chị tăng lên gấp 2-3 lần. Chị Mỹ hồ hởi: “Gia đình tôi vốn thuần nông, làm một tháng, chơi cả năm, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ ngày làm hàng mây, tre đan xuất khẩu, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều: Con gái lớn đã có tiền ăn học đầy đủ, gia đình đã có của ăn của để cho sau này”.

Ngôi nhà hai tầng mới xây của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền trong con ngõ nhỏ của thị trấn thật khang trang. Đó là thành quả của gia đình bà trong vài năm miệt mài thu gom bèo, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Hôm nay bà Hiền chắc vui lắm vì gia đình bà vừa mắc chiếc điện thoại bàn để thuận lợi hơn cho công việc. Nghĩ lại những ngày đã qua, bà Hiền tâm sự: “Khoảng dăm bảy năm trước, vợ chồng tôi cũng đi làm thêm đây đó nhưng chẳng ăn thua gì. Gia đình 6 miệng ăn cũng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Từ ngày tham gia làm hàng thủ công, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn. Chúng tôi làm cả ngày mà không hết việc”…

Sản phẩm của những nông dân chính hiệu!

Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thị Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hồng (xã Dân Tiến - huyện Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Nhận thấy nguồn nguyên liệu chế biến hàng thủ công mỹ nghệ ở địa phương rất phong phú, tôi đã mạnh dạn thành lập công ty từ năm 2003. Tuy là những mặt hàng xuất khẩu nhưng việc tạo ra sản phẩm rất đơn giản, ai cũng có thể làm được. Hiện nay, đội ngũ làm việc ở công ty chỉ có hơn 30 lao động. Trong đó, 6 lao động có trình độ chuyên môn, phụ trách mẫu mã và hướng dẫn chế tạo sản phẩm. Cơ bản là số công nhân làm tại gia đình họ. ở huyện Khoái Châu và một số huyện thị lân cận, hiện nay có 15 nhóm trưởng. Mỗi nhóm trưởng phụ trách 200 hộ dân. Nghĩa là số công nhân của công ty Ánh Hồng có ở khắp mọi nơi, và họ đều là những nông dân chính hiệu. Để công việc thêm hiệu quả, bà Nguyệt thường xuyên xuống từng hộ gia đình, một mặt bổ sung cho họ cách làm sao cho hiệu quả, mặt khác cũng là liều thuốc động viên tinh thần, khích lệ cho từng hộ dân...

Để kịp chuyến hàng trong lần xuất khẩu sắp tới sang Đức, công nhân trong, ngoài nhà máy đều phải hoạt động hết công suất. Những bàn tay thô kệch, đôi gót chân còn nẻ nứt khi vừa bước lên từ đồng ruộng, thế nhưng họ lại thật nhanh nhẹn với đường kim, mũi chỉ. Họ đều là những công nhân lành nghề. Nguyễn Thị Hà - một công nhân đang làm việc tại công ty bày tỏ: “Em mới vào đây từ tháng trước. Lúc đầu chưa quen việc nên làm hơi chậm. Nhưng được sự chỉ bảo của chú quản đốc và các anh chị, bây giờ em đã quen việc và làm thành thạo rồi”. Mặt hàng Hà và các anh chị trong công ty đang làm là các vật dụng trong gia đình. Đó chỉ là những cái giá treo tường, đệm lót bàn ghế, giỏ đựng hoa quả... Nguyên liệu chỉ là những thân bèo tây, bẹ chuối, bẹ ngô phơi khô, thế nhưng qua bàn tay “khâu vá” đơn thuần những vật dụng ấy lại có sức hút lạ kỳ. Tất cả đều như biết nói, tất cả đều mang trong đó một hồn quê.

Việc làm các mặt hàng mây, tre, đan xuất khẩu cũng là công việc ưa thích và phù hợp với những thân phận kém may mắn hay những cụ ông, cụ bà đã đến tuổi xế chiều. Em Trần Văn Hùng - con ông Trần Văn Đàn, xã Dân Tiến đã bị liệt cả hai chân nhưng em vẫn tạo ra được những sản phẩm xuất khẩu từ đôi bàn tay nhanh nhẹn của mình. Hùng hồ hởi: “Vì đã làm được những việc có ích nên em không còn mặc cảm như trước nữa. Cuộc sống với em đáng quý biết chừng nào”. Cụ bà Trần Thị Hay tuy đã gần 80 tuổi nhưng ngày nào cụ cũng tham gia đan cùng con cháu, vui hưởng tuổi già. Hơn nữa, cụ lại tích cóp được chút đỉnh “phòng thân khi phải dùng đến”.

Một mô hình cần được nhân rộng

Ông Bùi Xuân Bài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên - cho biết: Phong trào xuất khẩu các mặt hàng mây, tre đan ra nước ngoài mới thực sự phát triển trong một vài năm qua. Đây là một mô hình vừa thiết thực vừa đạt hiệu quả kinh tế cao. Các mặt hàng xuất khẩu đều gọn nhẹ, tiện lợi. Hơn nữa, giá thành lại tương đối rẻ, không dùng nữa thì có thể tiêu huỷ bằng cách đốt đi mà không hề ảnh hưởng đến môi trường nên được người dân ở các nước châu Âu ưa thích.

Có đầu ra, đây không chỉ là lợi thế của các công ty xuất khẩu mà nó còn là cơ hội tốt cho người dân làm kinh tế. Địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều sông, ngòi, ao, hồ và các cây trồng nông nghiệp khác nên nguồn nguyên liệu là có thừa. Trước kia, nhiều hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị ách tắc do tồn đọng quá nhiều bèo trên sông. Nhưng vài năm trở lại đây, người dân tích cực vớt bèo làm nguyên liệu đã làm cho hệ thống dòng chảy được lưu thông. Hệ thống ruộng đồng không còn bị... khát nước. Điều quan trọng nhất là giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng, nhất là vào lúc nông nhàn. Từ các mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu, nhiều gia đình đã khấm khá hơn. Từ đẩy lui cái nghèo, họ đã có của ăn, của để, thậm chí còn biết làm giàu từ chính những nguyên liệu nông nghiệp. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh phát triển mô hình này.

Ông Bài khẳng định, với một nền nông nghiệp là phổ biến, nguồn nguyên liệu có thừa, tôi tin rằng mô hình hoạt động sản xuất này trong tương lai không chỉ phát triển rộng trong toàn tỉnh Hưng Yên mà nó còn là hạt giống để các tỉnh trong miền bắc ươm mầm.

Trong một tháng Công ty TNHH ánh Hồng tiêu thụ hết 150 tấn bèo. Các mặt hàng chủ yếu là chậu hoa, thảm ngô, thùng đựng rác, giá treo tường... và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, CH Séc, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...