00:00 Số lượt truy cập: 2692042

Bình Định: Còn nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp ở nông thôn 

Được đăng : 03/11/2016

Nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng hạ tầng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn nhằm tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.


Những kết quả bước đầu

Thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư đưa công nghiệp về nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Định đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ công nghiệp ở khu vực nông thôn phát triển. Theo đó, toàn tỉnh đã có 38 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó có 23 CCN đã đi vào hoạt động với 7 CCN đã lấp đầy 100% diện tích, 5 CCN có tỉ lệ lấp đầy từ 50% trở lên và 11 CCN có tỉ lệ lấp đầy dưới 50%. Hiện nay, giá trị sản xuất của các CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt gần 1.000 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động.

Cùng với xây dựng hạ tầng, công tác quy hoạch, hỗ trợ các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn cũng được UBND tỉnh Bình Định quan tâm. Trong giai đoạn 2005-2010, UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ 9,25 tỉ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng các làng nghề truyền thống và đã công nhận 28 làng nghề. Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay, các chương trình khuyến công của Bình Định cũng đã hỗ trợ 4,84 tỉ đồng để xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn, giúp nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm.

Nhờ sự xuất hiện của các nhà máy, xí nghiệp và các CCN mà nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay da đổi thịt. Nếu như năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng 25% so với tổng giá trị SXCN toàn tỉnh thì hiện nay, con số này đã tăng lên gần 30%.

Mục tiêu vẫn ở phía trước

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu giá trị SXCN phải đạt mức tăng trưởng bình quân 21%/năm, trong đó, giá trị SXCN ở khu vực nông thôn chiếm 35% tổng giá trị SXCN toàn tỉnh. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh Bình Định đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thêm các CCN và đưa ra mục tiêu là đến năm 2015, các CCN phải tạo ra giá trị SXCN đạt 2.500 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho thêm 12.000 lao động.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hạ tầng ở các CCN trên địa bàn đang gặp khá nhiều khó khăn và chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chính là việc thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường rất đáng quan ngại vì phần lớn các CCN ở Bình Định chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn cũng đang gặp một số bất lợi, đặc biệt là kết cấu hạ tầng ở nông thôn còn hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Các doanh nghiệp ở nông thôn rất khó tiếp cận thông tin thị trường, thiếu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, trước những khó khăn trên, ngành Công Thương và các ngành chức năng tỉnh Bình Định đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, chính sách như: tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn; duy trì và tổ chức lại việc phát triển sản xuất ở các làng nghề truyền thống; tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở SXCN ở khu vực nông thôn…