00:00 Số lượt truy cập: 2662376

Bình Định: Đã chủ động được nguồn giống cua xanh 

Được đăng : 03/11/2016

Được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Nha Trang), Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (TNNTTSCT- thuộc Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu kỹ thuật thủy sản Bình Định) đã cho cua xanh sinh sản nhân tạo thành công, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi cua ở tỉnh Bình Định.


Lâu nay, người nuôi cua chủ yếu khai thác từ nguồn cua giống tự nhiên trong các đầm nước lợ, tỷ lệ sống không cao, không đồng đều, không chủ động được thời gian, mùa vụ thả nuôi. Theo các cán bộ kỹ thuật của Trạm TNNTTSCT, có nhiều loài cua biển khác nhau, nhưng người ta chỉ chọn loại cua xanh cho sinh sản, vì loại này đem lại giá trị kinh tế cao. Nguồn cua mẹ cho sinh sản tuyển từ tự nhiên (do ngư dân đánh bắt). Đầu tiên trong giai đoạn nuôi vỗ, bể nuôi được thay nước liên tục hàng ngày, nước có độ mặn gần với tự nhiên. Thức ăn cho cua giống là cá, tôm, một số loài nhuyễn thể. Khi nào thấy yếm cua căng lên thì kích nước (bơm nước tạo mưa) để kích thích cua đẻ. Thường cua đẻ về đêm. Mỗi con đẻ trên một triệu trứng.

Trứng cua được ấp chuyển thành ấu trùng, những ấu trùng không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại bỏ bằng cách tắt máy sục khí, con yếu lắng xuống đáy bể bị loại bỏ. Sau đó, ấu trùng được chuyển sang bể ương. Ấu trùng cua sau một thời gian ấp nữa sẽ chuyển thành cua bột và lột xác thành cua giống thương phẩm.

Kỹ sư Phan Thanh Việt-Trưởng Trạm TNNTTSCT, cho biết: “Tất cả giai đoạn ấp từ trứng đến cua từ 27- 30 ngày với tỷ lệ cua sống là 10%. So với tiêu chuẩn quy định thì tỷ lệ này là khá cao, các nơi khác chỉ từ 7-8%. Cua sinh sản nhân tạo tỷ lệ đồng đều cao, không bị tác động bởi việc đánh bắt, di chuyển… nên khi thả nuôi cho hiệu quả tốt hơn. Đồng thời, khi cho cua sinh sản nhân tạo sẽ hạn chế tập quán khai thác cua giống tự nhiên làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hủy hoại rừng ngập mặn mới trồng, cạn kiệt nguồn cua giống tự nhiên. Có thể nuôi cua xen với tôm, cá, rất phù hợp trong điều kiện dịch bệnh tôm đang hoành hành do môi trường nuôi bị ô nhiễm”.

Ngoài ương nuôi thành công giống cua xanh, Trạm TNNTTSCT đang thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình kỹ thuật ương nuôi thương phẩm cua xanh từ cua giống sản xuất nhân tạo” trong 2 năm 2007-2008. Các mô hình được thực hiện ở đầm Đề Gi, đầm Thị Nại tại một số hộ nuôi thủy sản để xây dựng quy trình nuôi thương phẩm thích hợp nhằm nhân ra đại trà.

Vùng ven biển nước ta hiện có khoảng 20 tỉnh đã ương nuôi được cua xanh. Riêng Bình Định mới chỉ có 3 địa chỉ ương nuôi cua giống là Trạm TNNTTSCT cùng 2 cá nhân ở xã Phước Thuận (Tuy Phước) và xã Cát Tiến (Phù Cát). Sản lượng của 2 trại giống cá nhân khoảng 10 vạn con/năm. Riêng Trạm TNNTTSCT ương nuôi được khoảng 50 vạn con/năm. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã chuyển 3,3 vạn con cua bột cho mô hình nuôi cua thương phẩm ở đầm Thị Nại và một số hộ thủy sản ở Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), Phước Sơn (Tuy Phước), TP.Quy Nhơn với giá 500 đồng/con.

Theo kỹ sư Việt, hiện chưa thấy hiện tượng dịch bệnh gì lớn ở cua sinh sản nhân tạo. Tuy vậy, trong mùa nắng cua dễ mắc bệnh teo cơ, năng suất nuôi không cao. Mùa vụ nuôi cua thương phẩm thích hợp bắt đầu từ tháng 11; cho thu hoạch sau 3-5 tháng nuôi.