00:00 Số lượt truy cập: 3230206

Bình Định: Hướng thoát nghèo từ nuôi gà thịt an toàn sinh học 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng giúp nông dân nghèo phát triển sản xuất, điển hình nhất là phong trào nông dân tham gia nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH). Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá

Những mô hình hiệu quả


Gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Lệ ở thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát là một trong 26 hộ nông dân thuộc đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chương trình nuôi gà ATSH, hỗ trợ xóa nghèo năm 2012 của HND tỉnh.


Chị Lệ cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nhận 100 con nuôi từ tháng 8/2012, qua thời gian tôi thấy giống gà này rất dễ nuôi so với gà bình thường lại ít bệnh tật nên tỷ lệ sống lên tới 95%. Thời gian sinh trưởng, phát triển của gà ngắn, thịt thơm, ngon, giá lại không quá cao (80 nghìn đồng/kg) nên người tiêu dùng rất ưa chuộng”.

Khách tham quan mô hình nuôi gà thịt ATSH tại hộ ông Dương Ngọc Giác ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn.


Gia đình anh Phạm An ở thôn Trung An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát cũng là hộ nghèo được tham gia mô hình nuôi gà thịt ATSH năm 2012 theo chương trình của HND tỉnh. Theo anh Bảy, nuôi loại gà này không khó, chỉ cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên thì gà sẽ ít bệnh tật và nhanh lớn. Đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán Quý tỵ, đàn gà của gia đình anh đã có trọng lượng trung bình gần 1,6kg và đã bắt đầu bán ra thị trường, thu nhập trên 5 triệu đồng.

Hay gia đình ông Dương Ngọc Giác ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Với số gà được nhận lúc ban đầu là 100 con, sau gần 4 tháng nuôi, đàn gà còn trên 90 con. Đây là một trong những hộ nuôi gà có chất lượng và hiệu quả cao, ít bị hao hụt, mỗi con có trọng lượng trung bình 1,6 kg.


Anh Giác cho biết, nuôi gà không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm ngừa vắc xin, nhất là vắc xin cúm gia cầm.


Vào thời điểm thu hoạch, anh Giác đã bán hơn 50 con, với giá khoảng 80.000 đồng/kg, sau gần 4 tháng nuôi mang lại cho gia đình lợi nhuận trên 1 triệu đồng. Đó là thành quả, là niềm vui cho cả gia đình sau thời gian chăm sóc, giúp trang trải cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.


Nuôi gà thịt ATSH không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo điều kiện cho người nuôi bỏ được tập quán chăn nuôi cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Với sự quan tâm đầu tư của HND tỉnh, các dự án giảm nghèo cùng sự nỗ lực vươn lên từ khó khăn sẽ giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện thoát nghèo bền vững.

   
                                                            Năm 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở Lao động thương binh và xã Hội, HND tỉnh đã hỗ trợ cho nông dân thực hiện mô hình nuôi gà thịt theo hướng ATSH.
13 hộ nông dân thuộc hộ nghèo được chọn ra thuộc các xã Cát Minh, huyện Phù Cát và 13 hộ nông dân nghèo xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, với tổng kinh phí hỗ trợ 130 triệu đồng. Mỗi hộ được hỗ trợ 100 con gà ta thả vườn. Các hộ này được hỗ trợ không thu hồi 50% tiền gà giống, 50% tiền thức ăn cho gà và thuốc thú y. Trong quá trình nuôi gà, cán bộ HND tỉnh và thú y địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tại các chuồng nuôi, hướng dẫn nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, vệ sinh tiêu độc môi trường, giữ gìn, vệ sinh các dụng cụ chăn nuôi và sử dụng thuốc thú y đúng cách…
 

  Cần nhân rộng mô hình


Bà Lê Thị Kim Mai, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Mô hình nuôi gà thịt ATSH đã đem đến cho bà con nông dân cái nhìn và cách làm mới trong chăn nuôi gà nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong thời điểm dịch bệnh gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong những năm tới, HND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình để nhiều hộ nghèo khác được tiếp cận, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững”.


Mô hình nuôi gà ATSH của xã Cát Minh và Tây Phú bước đầu mang lại hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn với bà con nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo. Thời gian tới, từ mô hình trên, HND tỉnh sẽ nhân rộng mô hình này nhằm giúp người dân phát triển kinh tế và làm giàu từ chăn nuôi gà thịt ATSH./.