00:00 Số lượt truy cập: 3229482

Bình Thuận: Cây cao su trước xu thế mới 

Được đăng : 03/11/2016

Cao su là 1 trong 4 loại cây trồng lợi thế của tỉnh Bình Thuận. Ngoài sản phẩm chính là mủ, gỗ cao su còn là nguồn nguyên liệu để sản xuất đồ gia dụng và nội thất. Phát triển cao su còn nhằm mục đích cải thiện môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, bảo vệ đất. Trước đây, một số người trồng cao su chỉ với mục đích xóa nghèo nhưng trong xu thế mới hiện nay, nhiều người trồng cao su là để… làm giàu.


Trở thành cây chủ lực

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi thực hiện chương trình trồng rừng 327, nhiều cán bộ lâm nghiệp ở Tánh Linh than trời khi “bị” giao khoán mỗi người trồng 2 ha cao su để phủ xanh đất trống. Lúc ấy, đất ở Tánh Linh còn dồi dào, ai muốn làm bao nhiêu tùy thích nhưng rất ít người nhận ra giá trị của nó. Hơn nữa, cao su lúc ấy chưa có giá, là loại cây mới đối với người dân nơi đây nên chẳng ai mặn mà gì. Dấu mốc quan trọng là khoảng năm 2002, mủ cao su có giá cao đột biến, một số vườn cao su thu lãi cao. Lúc này nhiều nông dân bắt đầu …mơ về cây cao su, nhiều hộ đổ xô kiếm đất trồng cao su, diện tích cao su từ đây bắt đầu tăng mạnh qua các năm sau đó.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, cho biết: Trong những năm qua, ngành cao su của tỉnh đã có bước phát triển vượt  bậc. Năm 2011, diện tích cây cao su  tăng  gần 3 lần so năm 2005, đạt 34.938 ha, sản lượng mủ cao su gần 20 nghìn tấn, với giá trị ước 8 nghìn tỷ đồng. Tánh Linh là huyện dẫn đầu với 16.366 ha, chiếm gần 50% diện tích cao su toàn tỉnh, kế đến là huyện Đức Linh 11.456 ha, huyện Hàm Tân 4.545 ha, huyện Hàm Thuận Nam 1.311 ha, huyện Hàm Thuận Bắc 1.228 ha...  Trong số này, diện tích cao su đại điền có 13.601 ha, chiếm 38%, cao su tiểu điền 21.337 ha chiếm 62%, với hàng chục ngàn hộ nông dân trồng cao su. Từ năm 2006 đến năm 2010, bình quân mỗi năm, các địa phương trong tỉnh trồng mới hơn 4.000 ha cao su, tỷ lệ  tăng bình quân hàng năm là 32%.

Ảnh: Ngọc Lân

Cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo

Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cơ hội cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định để xóa đói giảm nghèo, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Đề án đến năm 2012 sẽ trồng  1.282 ha ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Đến cuối năm 2011, các huyện đã trồng được gần 1.000 ha, trong đó Đức Linh 123 ha, Tánh Linh 494 ha, Hàm Thuận Bắc 494 ha và Hàm Thuận Nam 171 ha. Một số diện tích cao su của đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hoạch như Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) Gia Huynh (Tánh Linh)… Nhiều hộ dân tộc không chỉ thoát nghèo mà đã khá lên nhờ cây cao su.

Hàng năm, ngành cao su đã giải quyết việc làm cho trên 70.000 lao động trong tỉnh, trong đó chủ yếu là lao động ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, với những hộ nghèo, dù không trồng cây cao su nhưng có thể tham gia làm công nhân cạo mủ, chăm sóc vườn cây cho người trồng cao su cũng có thu nhập ổn định.

Không chỉ thế, họ còn tìm được việc làm tại các nhà máy, cơ sở chế biến mủ trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã  xây dựng 13 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế gần 30 nghìn tấn/năm. Trong đó Công ty TNHH một thành viên cao su Bình Thuận là đơn vị chủ lực, nòng cốt của tỉnh trong thu mua và chế biến mủ cao su; đặc biệt với Nhà máy cao su Suối Kè có công suất khởi đầu 8 nghìn tấn/năm, với công nghệ tiên tiến đã góp phần tích cực trong việc thu mua, chế biến và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm mủ cao su của tỉnh. Hàng năm, sản lượng mủ cao su xuất khẩu chính ngạch của tỉnh không ngừng tăng lên, từ 318 tấn năm 2005 đã lên trên 2.500 tấn vào năm 2011, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 triệu USD/năm. 

Ở Bình Thuận, bây giờ nói đến cây cao su nhiều người không nghĩ đến trồng để… xóa nghèo mà trồng để làm… giàu. Bởi thực tế, ở Đức Linh, Tánh Linh nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ cao su. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch định hướng phát triển cây cao su tỉnh Bình Thuận đến năm 2015. Trong đó, diện tích cao su đạt 45.000 ha; tổng sản lượng 48 nghìn tấn/năm với giá trị kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD; xây dựng hoàn thiện hệ thống thu mua, chế biến mủ cao su để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, giải quyết việc làm ổn định cho trên 100 nghìn lao động; bảo vệ môi trường sinh thái và sử dụng quỹ đất nông nghiệp bền vững.