Nhờ có sáng kiến sản xuất theo mô hình 1 + 2 (nuôi tôm kết hợp nuôi cua và sò huyết), 300 hộ dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đây là cách làm đã được nông dân ấp Má Tám, xã Việt Thắng thử nghiệm thành công và đang nhân rộng.
Huyện Phú Tân có trên 25.000 ha đất nuôi tôm, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Do nuôi tôm quảng canh nên năng suất rất thấp, kém hiệu quả. Từ cái khó ló cái khôn, một số nông dân ở xã Việt Thắng sau khi đi tham quan mô hình sản xuất ở Kiên Giang, Bến Tre đã quyết định nuôi cua và sò huyết trên đất nuôi tôm cố định. Ban đầu mô hình này chỉ có vài hộ trong xã nuôi thử nghiệm và sau đó lan rộng từ xã tới huyện.
Ông Trương Công Chúng, một trong những người tổ chức sản xuất mô hình 1+2 ở xã Việt Thắng huyện Phú Tân, cho biết: gia đình ông có 3 ha đất, từ mô hình này, sau khi trừ chi phí đã cho thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng.
Mô hình sản xuất 1+2 khá đơn giản. Sau khi thả tôm nuôi khoảng 2 tuần, bà con tiếp tục thả cua, tiếp theo đó là thả sò huyết giống. Đáng chú ý là nuôi tôm, cua, sò huyết đều không cần phải cho thức ăn, chúng tự tìm thức ăn bằng sinh vật phù du trong ruộng.
Hiện nay, giá cua giống là 30.000 đồng/kg, sò huyết giống 20.000 đồng/kg. Sau 6 tháng thả nuôi, giá bán cua là 400.000 đồng/kg, sò huyết là 120.000 đồng/kg.
Theo kỹ sư nông nghiệp Trần Thanh Oai, đây là mô hình tự phát của bà con nông dân, nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Tuy nhiên, mô hình này chỉ áp dụng cho vùng nước mặn, không thích hợp với vùng nước ngọt, do đó mô hình 1+2 chỉ được triển khai ở các huyện ven biển tỉnh Cà Mau.