00:00 Số lượt truy cập: 2692327

Cá kèo hết… “bèo” 

Được đăng : 03/11/2016
Người dân các tỉnh ĐBSCL thường có câu cửa miệng là “bèo như con cá kèo”. Tuy nhiên, không ít nông dân miền Tây sau khi trắng tay vì con tôm sú thì hiện nay họ đã tìm đến với con cá kèo như một cứu cánh thoát khỏi cảnh nợ nần.






Bán giống cũng hái ra tiền

Từ khi con cá kèo được người dân ĐBSCL chọn nuôi theo mô hình tôm – cá hoặc chuyển đổi từ đất tôm kém hiệu quả sang nuôi cá kèo thì không ít người ở ven theo tuyến rừng phòng hộ ven biển từ Sóc Trăng chạy dài đến Bạc Liêu, Cà Mau có thêm nhiều của ăn, của để nhờ bán cá giống. Không chỉ vậy, nhiều trẻ em có được tiền mua tập viết, quần áo đến trường từ “nghề” bắt cá kèo giống.

Anh Tư Lanh là một trong những người kinh doanh cá kèo giống ở xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết: “Những ngày đầu mới mở đại lý vất vả lắm, không chỉ ít người mua mà họ còn không tin tưởng cá trong bể ươm của mình là cá kèo nên cứ vớt lên vớt xuống để coi cho kỹ làm chết cá nên dễ bị lỗ vốn. Còn bây giờ chỉ cần nói qua một vài đặc điểm đặc trưng của con cá kèo để người mua nhận dạng là họ yên tâm bắt giống. Những tháng thả cá chính vụ mỗi ngày bán được vài trăm ly, lời cũng được vài trăm ngàn đồng, có lúc lời đến 3 triệu đồng/ngày”.

Nguồn cá giống của trại anh Lanh mua lại từ những trẻ em chuyên sống bằng nghề bắt cá kèo giống ven theo bãi biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình (Bạc Liêu). Mỗi ngày trên tuyến bãi bồi này có hàng trăm người người dùng vợt bắt những con cá kèo chỉ lớn hơn sợi chỉ, dài khoảng 2cm bán cho đại lý với giá từ 30.000 đến 40.000đ/ly (loại ly nhỏ dùng để uống trà). Trung bình mỗi người bắt được từ 2-3 ly cá giống/ngày cho thu nhập từ 60.000 đến 80.000đ. Đây là nguồn thu nhập khá lớn đối với những gia đình di dân tự do thuộc diện nghèo ở vùng ven biển.

Anh Lanh bật mí: “Mỗi ly như vậy khi bán ra chỉ còn khoảng 700 con, bán với giá 45.000 – 50.000đ/ly, vừa lời cá vừa lời giá”. Lượng cá giống tồn đọng lại trên ba ngày anh Lanh sang bể ươm khác để chờ đạt trọng lượng khoảng 3.000 con/kg (dài từ 4 -5 phân) bán với giá 350.000 – 400.000đ/kg, loại 7 phân (khoảng 700 con/kg) giá 200.000đ/kg.

Nếu như Tư Lanh chuyên “mua đi bán lại” thì gia đình chị Năm Độ (P. Nhà Mát – TX Bạc Liêu) tự đi vớt cá kèo giống ở tận Cà Mau mang về bán để được lời “trọn gói”. Mỗi chuyến đi khoảng một tuần vợ chồng chị Độ vớt được khoảng 15-20 kg cá loại 3.000 con/kg, bán được khoảng 5 triệu đồng.

Tuy thu nhập cao nhưng theo chị Độ thì mùa cá kèo giống chỉ kéo dài vào những tháng cuối năm nên những tháng đầu năm rất hiếm làm cho thị trường cá kèo giống bị “sốt giá” từng ngày. Chị Độ cho biết: “Chưa năm nào cá kèo giống khan hiếm như hiện nay. Lúc trước loại cá giống như giá khoảng 35đ/con thì hiện nay đã tăng lên 50-55đ/con nhưng vẫn không đủ cá giao cho khách hàng”.

Cứu cánh cho người nghèo

Trong khi nhiều hộ nuôi tôm dở khóc dở cười vì điều kiện thời tiết, con giống không sạch bệnh... làm họ trắng tay thì những hộ nuôi cá kèo vẫn cứ vô tư thu hoạch theo từng con nước để thu lợi nhuận. Sau một thời gian nuôi thí điểm, đến nay diện tích cá kèo ở các tỉnh ĐBSCL đã vượt ngưỡng 1.000ha.

Ông Trần Nghiệp Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Nhiều người bảo con cá kèo nuôi không được nhưng sự thật không phải vậy. Sau một năm nuôi thí điểm, thấy “ăn chắc” nên hiện nay ở xã này đã có hàng chục hộ nuôi cá kèo."

Nhờ con cá kèo mà nhiều hộ bị thất tôm nhiều năm liền đã tìm được mô hình làm ăn mới. Qua thực tiễn cho thấy nếu nuôi cá kèo theo hình thức quảng canh với mật độ khoảng 15 con/m2 và không cần bổ sung thức ăn nhưng sau bốn tháng có thể thu hoạch được khoảng 700kg/ha. Với mật độ này thì người nghèo cũng có thể nuôi được vì đầu tư vào 1ha cá kèo chỉ tốn tiền cá giống khoảng 3 triệu đồng.

Cùng anh Út Điền ra tận ao nuôi cá kèo ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chúng tôi mới thật sự thấy mô hình nuôi cá kèo vô cùng lý tưởng. Với mật độ thả giống khoảng 30 con/m2 mặt nước thì ao nuôi 3.000m2 chỉ tốn từ 4,5 đến 6 triệu đồng tiền cá giống. Theo anh Điền, thì chỉ cho cá ăn thức ăn công nghiệp trộn với cám trong tháng nuôi đầu tiên, từ tháng thứ hai trở về sau cho đến khi thu hoạch (3,5 đến 4 tháng) chỉ cho cá ăn cám.

Chỉ tay về phía ao rộng 3.000m2 đã cạn nước còn vài con cá kèo to hơn ngón tay cái đang lăn trên vũng bùn, anh Điền cho biết: “Ao này cậu tôi vừa thu hoạch xong với gần một tấn rưỡi cá thịt loại 50 con/kg. Bán tại vuông giá 40.000đ/kg, trừ chi phí con giống và thức ăn thu lãi khoảng 40 triệu đồng”.

Theo anh Điền thì dượng rể của anh ở huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đã nuôi cá kèo công nghiệp (có dùng quạt tạo ôxy) thu hoạch đạt năng suất trên 5 tấn/ha và bán tại vuông cũng với giá 40.000 đồng/kg. Đây chỉ là giá bán tại ao nuôi, ngoài thị trường loại 30 con/kg giá trên 50.000đ nhưng cung không đủ cầu. Nhiều nhà hàng, quán ăn muốn có cá kèo cho các món kho, lẩu... đều phải đặt trước và giá các quán ăn bán ra là 4.000đ/con bởi cá kèo hiện đã là “đặc sản”. Nông dân vùng này khẳng định cá kèo đúng là cứu cánh cho nông dân nghèo.

Dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 38 từ huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) về đến biển Nhà Mát của tỉnh Bạc Liêu, chen với những trại tôm sú là hàng chục đại lý mua, bán cá kèo giống. Đây là nơi cung cấp cá kèo giống nhiều nhất cho các tỉnh ĐBSCL, vào mùa cá kèo giống chính vụ mỗi ngày ước có khoảng vài trăm ngàn con cá giống được bán về các tỉnh như: Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... Không cần đầu tư quy mô, hoành tráng như các trại tôm sú giống, những điểm bán cá kèo chỉ là một cái chòi canh và vài ao ươm cá rộng khoảng 2m, dài chừng 10m được ngăn thành 4-5 ô vuông.