00:00 Số lượt truy cập: 3229898

Cà phê Việt Nam: Đỉnh cao và thách thức 

Được đăng : 03/11/2016

Một trong những khó khăn là tính đồng thuận trong các DN chưa cao, chưa tạo ra sự liên kết chặt chẽ.


Sau gần 15 năm, cà phê Việt Nam đã trở lại vị thế đỉnh cao. Năm nay, cà phê sẽ là mặt hàng then chốt đem lại giá trị kinh tế cao cho các tỉnh Tây Nguyên; là một trong những nông sản đem lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất của đất nước.

Tuy nhiên, cà phê cũng gặp những thách thức rất lớn: kinh doanh cà phê gặp nhiều khó khăn và rủi ro; cạnh tranh trong ngành cà phê thêm gay gắt; nguy cơ buông lỏng chất lượng, lạm phát diện tích cận kề…

Cà phê Việt Nam cần phải làm gì để vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu?

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa: Doanh nghiệp cần tìm ra những bước đi riêng

Nguy cơ thụt lùi chất lượng

** Thị trường cà phê thời điểm này “nóng”, “ lạnh” ra sao, thưa ông?

Thị trường cà phê hiện nay có giá bán rất cao, nông dân đang bán với giá từ 46 - 47  triệu đồng/tấn. Giá cao, doanh nghiệp (DN) khó mua hàng vì người dân sợ thời tiết bất lợi, một số đã găm hàng mang tính đầu cơ.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa

** Nhiều người đánh giá cà phê Robusta của Việt Nam năm nay được giá. Ông có đồng tình với đánh giá đó không?

Nếu đem so sánh với cà phê Arabica trên thị trường London và New York thì giá cà phê Robusta của Việt Nam đang ở mức thấp. Arabica hiện nay xuất khẩu ở giá 5.600 USD/tấn, nhưng giá Robusta chỉ 2.250 USD/tấn. Mà để tạo ra 1 tấn cà phê Arabica, mức đầu tư chỉ hơn cà phê Robusta khoảng 20-30%. Do vậy, nếu các DN Việt Nam biết cách kinh doanh, giá cà phê Robusta còn có bước tăng mạnh hơn nữa chứ không phải như hiện nay.

** Theo ông, chất lượng cà phê tại Lâm Đồng, vùng sản xuất lớn thứ 2 của cả nước, gần đây có cải thiện gì không?

Tại Lâm Đồng, khi chúng tôi đầu tư vào công nghệ chế biến ướt thì tỷ lệ thu hoạch cà phê chín trong dân tương đối cao. Tuy nhiên, hiện vẫn diễn ra tình trạng tranh mua, tranh bán nên không kiểm soát được chất lượng. Hai năm gần đây, tỷ lệ thu hoạch cà phê chín ở Lâm Đồng bắt đầu giảm sút. Trước đây, nông dân thu hái chín tới hơn 90%, nhưng năm nay chỉ còn có 75%. Hiện ở Lâm Đồng có tới 20 nhà máy chế biến ướt, cho nên các DN tranh mua tranh bán nguyên liệu. Chúng tôi đang làm việc với Bộ NN&PTNT và Thủ tướng đề nghị ra quyết định về vấn đề kinh doanh ngành hàng cà phê có điều kiện. Như thế mới giải quyết được việc nâng cao chất lượng cà phê cả nước.

** Theo ông, khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay là gì?

Tài chính của các DN Việt Nam không mạnh. Phần lớn là vốn vay của ngân hàng. Mà ngân hàng lại ép vòng vốn vay thời hạn ngắn, chỉ tầm 2-3 tháng. Vì vậy, vào đầu vụ, DN ào ào mua và bán hàng. Đến hết vụ, giá cà phê thế giới tăng, DN không còn cà phê để bán.

Hiện nay, chúng tôi đã tham gia vào Hiệp hội Cà phê, CLB những nhà xuất khẩu cà phê, nhằm thống nhất với các DN xuất khẩu cà phê tìm cơ hội bán cà phê giá trị cao, hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, các DN Việt Nam tính đồng thuận chưa cao, chưa tạo ra sự liên kết chặt chẽ. Trong các cuộc họp thì có vẻ thống nhất nhưng ngoài thị trường thì mỗi DN làm một kiểu.

Quý I/2011, Chính phủ thực hiện việc kiềm chế lạm phát, hạn mức tín dụng của các DN hầu như không được tăng. Trong lúc các DN nội thiếu vốn, DN FDI có nguồn vốn dồi dào có rất nhiều lợi thế. Chỉ riêng 3 tháng vừa qua, DN FDI mua gần 400.000 tấn cà phê gửi vào các kho ngoại quan. Khi DN FDI thu mua cà phê, giá còn thấp, chỉ khoảng 32-38 triệu đồng/tấn. Bây giờ khi tín dụng bắt đầu thông thoáng, hỗ trợ xuất khẩu, DN xuất khẩu phải mua lại của họ với giá cao. Cà phê còn lại trong dân cũng không nhiều, người dân lại có tâm lý găm hàng nên thời điểm này, DN xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu mua và thực hiện các hợp đồng đã ký.

Doanh nghiệp nội - ngoại và bài toán về năng lực cạnh tranh

** Thị trường năm nay so với các năm trước có gì khác biệt, thưa ông?

Đó là sự xuất hiện của DN FDI. Do trường vốn, DN FDI luôn bắt đáy, tức là lúc nào giá thấp nhất thì họ mua vào nhiều nhất. Vì vậy, ngay trong lãnh thổ của mình, các DN Việt Nam cũng gặp bất lợi rất lớn.

** Các DN nội coi sự xuất hiện của DN FDI là một lực cản. Nhưng cũng có người cho rằng, khi DN FDI vào cuộc, các DN yếu sẽ không tồn tại và ngành cà phê sẽ còn lại những DN đủ lực, và vì vậy, ngành cà phê Việt Nam sẽ mạnh hơn. Ông có đồng ý với ý kiến này không?

Chúng tôi đánh giá việc thu hút vốn FDI là rất tốt, tạo ra động lực phát triển cho quốc gia. Tuy nhiên, tùy thuộc vào ngành hàng để chúng ta thu hút vốn FDI. Nếu thu hút vốn FDI đầu tư cho công nghiệp chế biến cà phê, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Vì hiện nay, Việt Nam đang đầu tư sâu cho chế biến cà phê như: sản xuất cà phê hòa tan, sản xuất cà phê rang xay. Đầu tư trong chế biến cà phê nhân và đầu tư trong sơ chế mang tính chất thương mại. Hiện nay, DN Việt Nam đầu tư cho sơ chế, công suất đã đạt 1,2 triệu tấn/năm, vượt quá sản lượng trong nước. Cho nên, khi DN nước ngoài tham gia thu mua, sơ chế thì không phải là tốt.

** Khi dự Hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu ở Đắk Lắk mới đây, TS. Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, chẳng sớm thì muộn, phải bình đẳng giữa DN nội và DN FDI. Muốn vượt qua những thách thức như hiện nay, DN nội phải phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực tinh chế… Ông nghĩ sao về điều này?

Đương nhiên việc tăng sản lượng cà phê chế biến sâu là rất tốt. Tuy nhiên, việc này đang vướng vào 2 vấn đề. Chúng tôi đã đầu tư vào công nghiệp cà phê hòa tan. Công suất mới chỉ ở mức khiêm tốn là 2.000 tấn thành phẩm/năm, nhưng giá trị đầu tư tới 500 tỷ đồng cho dây chuyền này. Trong khi hiện nay thị trường tài chính đang có nhiều bất cập, tức là vốn cho vay ngắn hạn là chính. Giải quyết vốn cho đầu tư chế biến sâu rất khó khăn.

Thêm nữa, sản xuất ra nhiều cà phê nhưng thị trường tiêu thụ cà phê thành phẩm là vấn đề khó. Nhiều DN, trước đây như Vinamilk đã xây dựng nhà máy cà phê hòa tan, hiệu là Moment, nhưng thị trường không có, cuối cùng phải bán nhà máy. Cho nên, sản xuất ra cà phê chế biến còn phải phụ thuộc yếu tố là tiêu thụ ở đâu.

** Ông đánh giá như thế nào về các liên minh vùng cà phê trọng điểm?

Chúng tôi là đơn vị sớm khởi xướng việc thực hiện liên minh. Chúng tôi hỗ trợ nông dân sản xuất ra nguyên liệu bán cho chúng tôi để ổn định vùng nguyên liệu. Trong xu thế cạnh tranh, DN cần phải tìm ra những bước đi riêng. Thái Hòa hiện nay đang thực hiện các liên minh với nông dân bằng hình thức thành lập các HTX nông nghiệp. Đây là cánh tay nối dài giúp tạo vùng nguyên liệu ổn định để chúng tôi tập trung vào công nghiệp chế biến, nhằm tăng giá trị xuất khẩu cà phê.

Cà phê sẽ là mặt hàng then chốt của Tây Nguyên trong năm nay.

Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Lắk: Cần phải có liên minh

Năm nay các DN đều chủ động mua theo sản lượng để xuất khẩu theo yêu cầu. Đến bây giờ con số đã đạt đến 350.000 tấn, là con số cao của xuất khẩu trong năm nay. Thực tế diễn ra là sản lượng cà phê tăng cao thì chất lượng cà phê lại giảm. Nguyên nhân cơ bản là về chính sách đầu tư. Nếu chúng ta đầu tư vườn cây đảm bảo, thâm canh tốt, phân nước đầy đủ, kho bãi, sân phơi đảm bảo sẽ quyết định đến chất lượng. Mà những điều này một mình nông dân khó làm nổi, vì vậy cần phải có liên minh.

Hiện liên minh ở Đắk Lắk mới chỉ có "2 nhà": nhà DN và nông dân. Để liên minh có kết quả và bền vững phải nghĩ tới quyền lợi của nông dân. Nông dân phải có cuộc sống ổn định, đời sống được nâng lên, sản phẩm được tiêu thụ đầy đủ, thì họ sẽ làm ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Như thế liên minh mới thành công.

Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: DN phải tính để cà phê mang lại lợi ích cho bà con

Năng suất cà phê ở Đắk Lắk niên vụ 2010-2011 thấp hơn niên vụ 2009-2010 (2,44 tạ/sào). Cho nên dân kêu sản lượng hụt là đúng. Còn Tổ chức Cà phê Thế giới nói rằng, năm nay sản lượng cà phê Đắk Lắk cao hơn cũng đúng, vì diện tích cà phê kinh doanh năm nay cao hơn năm trước.

Những năm vừa qua, để phát triển cà phê bền vững, tỉnh đã có những dự án như dự án UTZ, hay tiêu chuẩn 4C của Hiệp hội Cà phê bền vững. Bên cạnh đó, năm nào tỉnh cũng khuyến cáo bà con thu hoạch với tỷ lệ chín là 85-90%. Nhìn chung, những năm gần đây, chất lượng cà phê đã được cải thiện. Tuy nhiên chưa đạt được như mong muốn vì nạn trộm cắp cà phê vẫn diễn ra cho nên người dân thường không đợi chín hết đã hái. Chất lượng cà phê mang lại lợi ích cho bà con như thế nào là điều mà các DN phải tính đến. Chứ cà phê chất lượng cao mà mua như cà phê bình thường thì không khuyến khích người sản xuất./.