00:00 Số lượt truy cập: 2679134

Cá tra giống “nóng” như chứng khoán! 

Được đăng : 03/11/2016
Chuyện con cá tra giống ở đồng bằng sông Cửu Long đang “nóng” chẳng khác gì chứng khoán. Các cơ sở cá tra giống đang mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu 10 tỉ con cá giống trong năm 2007.

Một vốn bốn lời

“Làm giống luôn có lời” - anh Bình, một công chức của TP Cần Thơ, nói chắc nịch. Mặc dù nhà ở trung tâm TP nhưng anh vẫn tìm mua đất để đào ao. Bốn ao cá bột đã được thả nuôi khoảng 2 triệu con. Anh đã rút được bài học: muốn trúng thì phải đánh nhanh khi đang sốt giống. Anh Bình tính: thả khoảng 1 triệu con bột, nếu như tỉ lệ cá giống đạt hiệu quả 30% thì coi như lúc xuất ao lời khoảng bốn lần so với số vốn.

Còn tại cồn Khương (Cần Thơ), một cù lao đang được qui hoạch làm khu vui chơi giải trí, khu dân cư cao cấp nhưng anh Ly Sắc cũng tận dụng 1.500m2 mặt nước sắp bị giải tỏa để làm giống cá tra. Vốn là một nông dân “nửa mùa” nên mọi thứ anh đều phải học tập kinh nghiệm từ bạn bè, các thầy ở trường đại học, kể cả lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi. Cách đây vài tháng, anh đã xuất được một đợt cá phân (loại cá giống trên 1 phân), lời vài trăm triệu đồng.

Trên đường từ Cần Thơ đi An Giang, dọc tuyến quốc lộ 91, đoạn Ô Môn và Thốt Nốt các cơ sở, trại cá giống mọc lên dày đặc. Đặc biệt trong khu vực Nông trường Sông Hậu không biết cơ man nào mà kể, người dân vào đây thuê đất làm trại giống rất nhiều. Ở nhiều nơi, chúng tôi thấy người dân bàn chuyện cá tra giống rôm rả như ở TP.HCM người ta bàn chuyện chứng khoán lên xuống hằng ngày.

Anh Nguyễn Đức Lợi - chủ cơ sở cá giống Danh Lợi ở quận Ô Môn - lắc đầu cho biết làm giống cá đã hơn mười năm nay nhưng chưa có thời điểm nào người ta đổ xô lập trại cá giống nhiều như lúc này. “Tất cả đều phải lấy giống cá bột từ Đồng Tháp về ương cho lớn rồi bán cá phân lại cho người nuôi. Lúc nào trong ao cũng có khoảng 5 triệu con giống sẵn sàng cung cấp cho dân, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu” - anh Lợi nói. Với những người nuôi nhỏ lẻ thì phải đặt mua con giống chở từ Đồng Tháp hoặc Châu Đốc (An Giang), còn người nuôi có qui mô lớn thì mua cá bột về ương, khi cá lớn mới thả nuôi đồng loạt.

Chính vì trại cá giống mọc lên quá nhiều mà chất lượng không được đảm bảo do chẳng biết nguồn gốc cá giống các trại lấy từ đâu. Anh Trần Văn Dũng, một chủ trại giống ở Thốt Nốt, cho biết: “Nếu cá giống tốt, trong quá trình nuôi thiệt hại khoảng 30-40%; còn nếu gặp giống “trời ơi”, tỉ lệ chết lên đến 60%, thậm chí nhiều hơn khiến lợi nhuận không đạt hoặc thất bại”.

Đua nhau làm giống

Anh Phan Văn Thành, cán bộ Chi cục Thủy sản Cần Thơ, cho biết hiện khó có thể kiểm soát được những cơ sở giống trong dân theo dạng kinh tế hộ gia đình. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành khảo sát, đôn đốc người dân đăng ký nhằm quản lý về giống được tốt hơn, sạch bệnh hơn.

Hiện chất lượng con giống đang bị thả nổi. Người nuôi than phiền chất lượng giống không tốt, chết nhiều. Nguyên nhân: do kỹ thuật của người ương ép cá và nguồn giống cá bố mẹ bị cận huyết dẫn đến cá bị thoái hóa. Trung tâm Khuyến ngư quốc gia đang phối hợp với các địa phương lên kế hoạch cung cấp giống cá bố mẹ chất lượng để nâng chất lượng cá tra giống.

Ở ĐBSCL, cơ sở cho cá tra đẻ, chỉ tập trung tại một vài khu vực đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự và Nha Mân. Trong đó Hồng Ngự được xem là cái nôi của nghề ương ép cá tra ở khu vực này. Từ năm 2000 trở về trước, các cơ sở cá giống phải

vớt cá tự nhiên từ biển Hồ (Campuchia) đổ về, ương cho lớn rồi mới xuất bán cho người nuôi. Sau đó, nhờ làm chủ được “công nghệ” cho cá tra sinh sản nên cù lao Long Phú Thuận, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) mới chuyển mình. Từ đó, thợ kỹ thuật cho cá sinh sản cũng trở nên đắt giá. Nhiều cơ sở cá giống ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang đã xuống tận Tân Châu, Hồng Ngự “lôi kéo” dân kỹ thuật về cùng làm ăn.

Anh Trần Thanh Phong, vốn là dân kỹ thuật chính của một lò sản xuất cá tại Hồng Ngự, đã theo anh Đông - một công chức ở Thốt Nốt - hùn hạp làm ăn. Người bỏ công, người bỏ vốn, tính từ khi thành lập cơ sở cuối năm 2006 đến nay mỗi tháng cơ sở xuất được bảy lần giống, mỗi lần 10-30 triệu con cá bột. Anh Đông - chủ cơ sở Đông Phong - nói: “Chúng tôi đầu tư toàn bộ cơ sở khoảng 800 triệu đồng, trong đó nặng nhất là cá bố mẹ, chuẩn bị 30 tấn cá tốn tương đương 600 triệu đồng”.

Thế nhưng, sự phát triển “nóng” của các cơ sở nuôi cá đã đẩy cuộc chạy đua bán hàng lên cao trào. Với các “lò” sản xuất thì nếu trên phân nửa số trại giống lấy cá bột về nuôi không hiệu quả thì lô bột xuất ra đó coi như không đạt, phải bồi thường. Còn các trại bán cá giống cho dân, nếu tỉ lệ chết cao cũng phải tính mức đền bù thiệt hại. Mặc dù giá cá tra giống không còn cao như thời điểm cách nay một vài tháng do các ao hầm đầy cá và mùa cá sinh sản đã bắt đầu, nhưng các cơ sở cá giống vẫn mọc lên ào ạt. Nông dân làm cá giống, công chức cũng tranh thủ đi làm cá giống. Bởi một lý do đơn giản là đầu tư ít nhưng lợi nhiều, nhu cầu sắp tới còn tăng lên khi vụ cá thương phẩm sắp tới ngày thu hoạch.