Chưa bao giờ ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu
cá tra lại gặp khó khăn như lúc này
Ảnh: Quốc Trung
Nông dân than khó
Hiện nay, toàn vùng chỉ còn khoảng 30% số hộ theo nghề nuôi cá thịt, còn lại chuyển qua nuôi cá giống hoặc cho doanh nghiệp thuê đất hay chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác. Nhiều hộ bám trụ với nghề thì nuôi cầm chừng. Ông Võ Văn Đệ ở khu vực Thới Bình 2 (phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) trước đây là người nuôi cá có tiếng tại khu vực này, nhưng nay do tình hình nuôi và bán cá khó khăn nên cũng phải "treo ao”. Ông Đệ cho biết, giá cá tra hiện nay tuột dốc thê thảm, chỉ còn 22.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn, chi phí nhân công và mọi thứ đều tăng...
Theo thông tin từ các HTX Thủy sản tại TP. Cần Thơ, sau thời gian các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ gặp khó khăn về tài chính, hiện nay người nuôi cá rất lo ngại thậm chí là không tin tưởng khi bán cá cho các doanh nghiệp. Nhiều người chấp nhận bán tiền mặt với giá thấp hơn từ 400 đồng/kg trở lên chứ nhất quyết không bán chịu, trả chậm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có vốn lợi dụng lý do này để mua cầm chừng nhằm kéo giá cá tra xuống. Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra qua các năm có nhiều biến đổi lớn, cao nhất năm 2007 với 1.570 ha, nhưng đến tháng 4-2012 giảm xuống còn 740 ha. Ở Cần Thơ, nhiều hộ dân nuôi cá tuy vẫn duy trì ao nuôi cá nên diện tích còn duy trì khá. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn (Cần Thơ) cho rằng: Với giá cá hiện thời, người nuôi cá khéo lắm mới hòa vốn, còn đa số lỗ. Chung qui chỉ vì tình hình tài chính một số doanh nghiệp (DN) đang gặp khó, thu mua trả chậm kéo dài 1-2 tháng. Dân nuôi cá bán nợ 1-2 tỷ đồng, nếu chịu lãi suất kéo dài thay cho DN không thể chịu nổi”. Chính vì vậy mà HTX Nuôi cá tra Thới An cũng giảm diện tích thuê ao nuôi bên ngoài mà chỉ duy trì phần ao nhà còn 8 ha nuôi cá tra. Hiện nay, sản lượng cá của HTX giảm 50% so với năm 2011.
Tại 2 tỉnh có vùng nuôi cá tra lớn trong vùng là An Giang và Đồng Tháp, bà Phạm Thị Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Diện tích nuôi cá tra ở An Giang hiện còn 1.100 ha, do tình hình giá cá nguyên liệu đang xuống thấp. Hiện nay cá tra có trọng lượng 0,8-0,9 kg/con, thịt trắng được các DN chế biến xuất khẩu (CBXK) thu mua với giá 23.500-24.000 đồng/kg; loại cá có chất lượng thấp hơn thu mua ở mức 22.500 - 23.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cá trong tỉnh cho biết, thực tế các DN đến ao thu mua cá tra nguyên liệu của bà con 22.000-23.000 đồng/kg đối với cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cá loại chất lượng thấp hơn là 22.000 đồng/kg. Ông Phan Văn Tâm ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thuận Trung, huyện Châu Phú (An Giang) có 1 ha ao nuôi cá tra nhưng đã tạm ngưng thả con giống. Ông cho biết: Với giá cá tuột dốc như hiện nay thì tình trạng "treo ao” chắc chắn sẽ tái diễn. Nông dân không đủ sức cầm cự vì không có vốn tiếp tục đầu tư.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp nhận định: Hiện thời, số nông dân nuôi cá tra dạng nhỏ lẻ còn rất ít. Đa số dân theo đuổi nghề nuôi cá tra được là nhờ chuyển sang nuôi gia công hoặc liên kết với các DN để mong đảm bảo bớt rủi ro. Trong tỉnh có 1.038 ha nuôi cá tra, trong đó có 77 ha đang "treo ao”. Qua tìm hiểu được biết phần nhiều dân nuôi cá đều phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Mặt khác, một số DN nhỏ đang thiếu vốn nên đã giảm lượng thu mua. Lúc này DN lớn có vùng nuôi, chủ động nguồn cá nguyên liệu. Do vậy nhận thấy dân cần bán cá thu tiền mặt, DN lớn thường ra giá mua thấp hoặc không mua. Cũng theo nguồn tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 4-2012, số diện tích mà người dân "treo ao” vì bỏ nuôi cá tra đã lên tới trên dưới 80 ha, nguyên nhân vẫn là do người dân không có vốn tái đầu tư thả nuôi trở lại.
Đâu còn hình ảnh người dân thu hoạch cá cười phấn khởi
Doanh nghiệp cũng chật vật
Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho biết: Thời điểm này phần lớn các nhà máy chỉ hoạt động 70% công suất. Trong đó có nhiều nhà máy hoạt động trong tình trạng cầm chừng. Có nhà máy chỉ hoạt động 40-50% công suất. Ở ĐBSCL từ đầu năm 2012 đến nay, có trên dưới chục nhà máy chế biến thủy sản đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản, tạo ra phản ứng dây chuyền tác động mạnh khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) nhận định: Đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn. Các nước châu Âu tiếp tục giảm nhập khẩu thủy sản do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế trong khi đó châu Âu là thị trường chính của thủy sản Việt Nam. Nếu ngân hàng tiếp tục tình trạng siết chặt tín dụng như thời gian gần đây, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho ngành thủy sản và sẽ đẩy hàng loạt doanh nghiệp thủy sản phải phá sản trong thời gian tới.
Tại TP. Cần Thơ đến thời điểm này có 33 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó chủ yếu là chế biến cá tra. Thời gian qua các doanh nghiệp Cần Thơ chỉ chủ động vùng nguyên liệu được 14%, còn lại 86% là phụ thuộc vào người dân. Nếu người nuôi cá "treo ao” đồng loạt thì ngành thủy sản sẽ điêu đứng. Không chỉ có DN chế biến cá tra gặp khó mà cả DN sản xuất kinh doanh thức ăn cũng chung tình trạng đó. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, giám đốc nhà máy chế biến thức ăn Ngư Long, tại KCN Sông Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) phân trần: Hiện nay, rất nhiều khách hàng mua thức ăn của nhà máy nhưng chậm trả tiền dẫn đến nhà máy cũng nợ nhiều. Đến nay, nợ khoảng trên dưới 400 tỷ đồng.
Thông tin Bộ Tài chính đề xuất dùng gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng cứu DN thực sự là tin vui với DN. Các DN thủy sản mong muốn gói kích cầu này đến đúng địa chỉ trong đó có người nuôi cá, DN sản xuất thức ăn và chế biến cá tra xuất khẩu - Vì họ đang thực sự rất cần vốn.
Để ngành cá tra phát triển bền vững, cần có "nhạc trưởng” liên kết nông dân với DN.
Công ty CP Thủy sản Bình An khởi động lại dây chuyền sản xuất cá tra phi lê
Ngày 7-5, ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) cho biết: Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã được Bộ Tài chính thống nhất phương án mua nợ của Bianfihco. Ngày 9-5, Bianfishco chính thức trở lại họat động dây chuyền sản xuất cá tra phi lê. Bianfishco sẽ sản xuất từ 100 đến 150 tấn cá tra phi lê/ngày. Như vậy, sẽ cần khoảng 1.500 lao động. Hiện đã có 800 công nhân đăng ký làm việc. Bianfishco đang khẩn trương tái cấu trúc công ty, bổ sung cổ đông chiến lược và tiến hành đại hội cổ đông. HĐQT công ty dự tính sẽ thuê một giám đốc có nghiệp vụ, có kinh nghiệm để điều hành. |