Là thành viên của Liên minh HTX tỉnh, HTX dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng (Nam Sách) được thành lập tháng 3/2005. HTX hiện có 20 xã viên tham gia góp vốn điều lệ 40 triệu đồng. Toàn bộ số vốn này, HTX dùng vào việc hỗ trợ xã viên gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống và thức ăn chăn nuôi, nhằm mở rộng quy mô đàn.
Anh Vũ Hữu Hiển, xã viên ở thôn Linh Xá cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên nuôi từ 170 đến 180 con lợn thịt. Lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ mỗi tháng từ 6 đến 8 tấn. Nếu không được HTX hỗ trợ trực tiếp từ 400 đồng đến 480 đồng/kg thức ăn, thì lợi nhuận sẽ giảm khá lớn. Chỉ tính riêng tiền hỗ trợ mua thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng đã giảm chi phí sản xuất hơn 3 triệu đồng. Hơn thế, nhờ được thanh toán tiền thức ăn được chậm trả 1 tháng không tính lãi nên còn lợi thêm khoảng gần 1 triệu đồng nữa”.
Trước đây HTX dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng liên hệ với 3 công ty chế biến thức ăn chăn nuôi ở hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Giang, nhập thức ăn chăn nuôi về bán cho xã viên. Song do thức ăn lấy ở nhiều nơi, phải chịu cước phí vận chuyển cao, trong khi lượng nhập lại ít nên hoa hồng được hưởng không cao, HTX chỉ hỗ trợ giá thức ăn cho người chăn nuôi khoảng 4.000 đồng/bao.
Sau khi cân nhắc, ban quản trị HTX đã quyết định chỉ nhập thức ăn mang thương hiệu Master của Công ty CJ Vina Agri (Hưng Yên). Mỗi tháng HTX nhập về 80 tấn thức ăn, hoa hồng được hưởng gần 40 triệu đồng. Đây là nguồn vốn dùng để chia theo đầu bao cám, hỗ trợ trực tiếp cho xã viên. Nhưng để nhập được 80 tấn thức ăn/tháng, HTX thường xuyên phải huy động nguồn vốn kinh doanh 1,4 tỷ đồng.
Để có nguồn vốn này, ngoài 200 triệu đồng vay với lãi suất thấp của Liên minh HTX tỉnh, HTX - dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng còn vay thêm ngân hàng và huy động vốn từ 7 cán bộ, xã viên có tiềm lực tài chính trong HTX. Nhằm chủ động duy trì và tăng dần vốn kinh doanh, HTX trả lãi 1%/tháng cho người góp vốn, ngoài ra người có vốn góp còn được hưởng thêm 1%/năm. Nhờ cách làm này, HTX dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng luôn có vốn mua thức ăn chăn nuôi về bán lại cho xã viên.
Để giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm, HTX cử 3 cán bộ có kinh nghiệm kinh doanh, liên hệ với các đầu mối gom hàng trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh bạn như Quảng Ninh, Hải Phòng, thậm chí là cả người giết mổ lợn nhỏ lẻ, để chào bán sản phẩm. HTX đứng ra làm môi giới, xã viên trực tiếp thỏa thuận giá bán với người mua để bán sản phẩm. Nhờ cách làm minh bạch này, tất cả xã viên đều tìm đến HTX, nhờ chào hàng, bán sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thảo, xã viên ở thôn Trần Xá, phấn khởi cho biết, chị nuôi 15-20 con lợn thịt/lứa. Toàn bộ số lợn nuôi được khi xuất chuồng, chị đều nhờ HTX chào bán giúp. Giá bán tùy theo từng thời điểm cao, thấp khác nhau, nhưng bao giờ giá bán lợn xuất chuồng của chị cũng cao hơn ít nhất 200 đồng/kg hơi so với người ngoài HTX.
Nhằm chủ động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh việc động viên xã viên duy trì chăn nuôi từ 1.200 đến 1.400 con lợn thịt/lứa, HTX dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng còn động viên các xã viên có kiến thức và kinh nghiệm duy trì nuôi 150 lợn nái. Trong đó, có 80% là lợn nái lai F1 để chủ động cung cấp lợn giống chất lượng cao. Song song với việc làm trên, HTX dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng còn tìm đến các cơ sở cung ứng thuốc thú y tin cậy, nhập thuốc về cung ứng cho xã viên và người chăn nuôi chữa bệnh cho lợn.
Việc làm này giúp xã viên duy trì tổng đàn nhiều, lợn không mắc bệnh, tỷ lệ nạc cao, bán được giá và thu hút được khách hàng chưa phải là xã viên tìm đến sử dụng dịch vụ của HTX. Lợi nhuận từ nguồn dịch vụ này chính là nguồn dùng để trả lãi hằng tháng và trả lãi 1%/năm cho người góp vốn kinh doanh. Cán bộ ban quản trị không được trả lương nhưng họ vẫn hăng say làm việc.
Anh Nguyễn Khắc Chức, chủ nhiệm HTX dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng cho biết: “Tuy không trích lợi nhuận trả lương cho cán bộ ban quản trị, nhưng trên thực tế, từ hỗ trợ giá mua thức ăn và góp vốn kinh doanh, mỗi cán bộ đều có thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này vừa minh bạch, vừa được xã viên chấp nhận.