00:00 Số lượt truy cập: 3229449

Cắn răng đốt... lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Những cánh đồng vàng ươm mùi lúa ngậm sữa là hình ảnh quen thuộc của tỉnh TT-Huế nay đã là quá khứ khi toàn tỉnh có hơn 1.600 ha lúa vụ hè thu bị lép hạt, kém chất lượng phải “gặt” mang đi đốt bỏ. Trong khi người nông dân rơi vào hoàn cảnh bi đát thì một “bi kịch” nữa họ đang đối mặt là phải chi tiền công cắt bỏ, đốt lúa và thiếu giống trầm trọng cho vụ sau.

Khóc trên ruộng lúa


Chạy dọc các tuyến đường qua các xã Phú Lương, Phú Hồ, Phú Đa, Phú Xuân (huyện Phú Vang) - một trong những vựa lúa chính của tỉnh TT-Huế, những cánh đồng màu mỡ nay được thay bằng khoảnh ruộng cháy xém, nham nhở. Toàn huyện Phú Vang có 1.100 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn.

Trên đồng, những người nông dân với đôi mắt thâm quầng, nhầu nhĩ, nhễ nhại mồ hôi ra sức cắt lúa mang đi… đốt. Có mặt trên cánh đồng Di Đông, xã Phú Hồ, ông Đinh Như Tý, một nông dân than thở: “Tui làm lúa mấy đời, chưa có năm mô mà lúa lép hạt, kém chất lượng như ri. Cả gia đình tui mần 4 mẫu lúa, do bị rét đậm rét hại kéo dài nên lúa đều mất trắng, phải cắt bỏ. Mấy ngày nay tui chạy vạy tìm nhân công khắp nơi, đã không có một hạt lúa để ăn mà còn phải bỏ tiền túi ra thuê người cắt”.

Theo tính toán của nhiều nông dân ở Phú Hồ, cứ 1 sào “lúa lép” phải thuê nhân công cắt tốn 30.000 đồng. Nhà vài mẫu thì còn đỡ, chứ nhà vài chục mẫu thì riêng tiền công cắt lúa mang đi đốt cũng mất vài triệu rồi. Dạo quanh các cánh đồng ở Phú Vang, khắp nơi đều thấy nông dân tất tả đi thuê nhân công, máy gặt lúa mang đi đốt. Cả một vùng quê trù phú nay nhuốm màu khét cháy của rơm rạ.

Đang ra sức cắt lúa mang đi đốt, ông Đinh Như Rạng, nông dân ở xã Phú Hồ buồn buồn tâm sự: “Có gì khổ hơn khi nông dân bỏ bao công sức, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà giờ nhìn cả ruộng lúa như bãi lầy lau sậy, không một bông nào có hạt hả chú? 5 mẫu (50 sào) ruộng lúa giống và lúa ăn của tui, giờ không cho một hạt nào bỏ vào kho. Đã thế, mấy hôm nay phải chạy máy gặt mang lúa đi đốt, tốn mất 25.000 đồng tiền xăng/sào. Tui ước tính, 1 sào lúa đầu tư hết thảy mất 600.000 đồng, với 5 mẫu lúa còn nửa tháng nữa là đến ngày gặt, phải cắt bỏ, vị chi tui mất gần 40 triệu đồng, không lấy gì mà bù lại cho vụ sau được".

Cũng theo ông Rạng trong khi đó, số lúa “phế phẩm” bị cắt bỏ không tận dụng vào các công việc khác được do lúa còn non, số lượng nhiều quá nên giải pháp duy nhất là mang đốt.

Chồng chất khó khăn

Ông Hồ Đăng Vang - Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có 1.600 ha lúa bị thiệt hại do rét trong những tháng trước, trong đó, nhiều diện tích phải cắt bỏ, mang đốt do lúa bị lép hạt. Địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Phú Vang với 1.100 ha, Phú Lộc 200 ha, Quảng Điền 155 ha… Hiện tại, chúng tôi đang lập số liệu tổng hợp toàn bộ diện tích bị thiệt hại từ các huyện, thị xã để trình lên tỉnh và Chính phủ. Ước tính TT-Huế xin hỗ trợ 2.500 tấn lúa giống để kịp thời cho nông dân xuống giống vụ sau, trong đó người dân cần nhất là những giống lúa ngắn ngày như PC6, TH5, Khang Dân... ”.

Ông Hồ Bạn - Chủ nhiệm HTX Phú Hồ trăn trở: “Mặc dù đơn vị đã yêu cầu người dân xuống giống đúng thời vụ, tuy nhiên nhiều diện tích lúa vẫn bị mất trắng. Toàn xã có 514 ha lúa đến thời kỳ thu hoạch thì đã có hơn 220 ha với 550 hộ dân trồng lúa bị “đứng đọt”, kém chất lượng phải cắt bỏ, tỷ lệ từ 70-100%, gây thiệt hại cả mấy tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do rét đậm rét hại diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay. Về lâu dài, nguy cơ những hộ dân này thiếu đói và không có giống, cơ sở vật chất để đầu tư cho vụ sau”.

Theo ông Bạn, để giải quyết những khó khăn trước mắt cho nông dân vụ sau, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp. Riêng xã Phú Hồ đề nghị tỉnh hỗ trợ 52 tấn lúa giống hoặc trợ giá từ 7-10 nghìn đồng/kg (so với giá mua vào là 15.000 đồng/kg) để người dân có điều kiện xuống giống cho vụ sau. Những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại do lép hạt, “đứng đọt” hiện đang trình tỉnh hỗ trợ giống lúa siêu ngắn ngày cho vụ mùa sau vì mùa trước đã trễ do rét kéo dài.

Tuy nhiên, Phòng NN- PTNT nhiều địa phương cho biết, đây là vấn đề khó bởi giống lúa bình thường thì dễ có nhưng giống siêu ngắn ngày thì phải đợi vì đây là giống dùng trong trường hợp đặc biệt. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều huyện, thị xã khác của tỉnh TT-Huế cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.