00:00 Số lượt truy cập: 3230889

"Cánh đồng liên kết" ở Đồng Tháp 

Được đăng : 03/11/2016

Từ năm 2008, tỉnh Đồng Tháp đã lập đề án "Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại giai đoạn 2008 -2011" với mục đích hướng nông dân vào sản xuất hàng hóa tập trung, có giá thành hạ và sản phẩm chất lượng cao, an toàn, phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu.


Những mô hình dồn ruộng, liên kết doanh nghiệp với nông dân có tên gọi "cánh đồng liên kết" ngày càng được mở rộng, nông dân bớt dần nỗi lo đầu ra cho hạt lúa...

Từ cánh đồng sản xuất lúa hiện đại...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Hưởng cho biết: Thực hiện đề án xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại, ngay từ vụ đông xuân 2008 -2009, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thí điểm ở 430 ha của HTX nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông) và 260 ha ở HTX Thắng Lợi, huyện Tháp Mười. Đến vụ hè thu năm 2010, mở rộng thêm hai đơn vị là Đoàn Kinh tế quốc phòng 959 ở huyện Tân Hồng với diện tích 118 ha và HTX số 1, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự với diện tích 87 ha.

Vụ thu đông 2011, triển khai tiếp 85 ha ở HTX số 1, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh.

Song song với việc triển khai thí điểm mô hình, ngành chức năng tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất và nhiều hoạt động hỗ trợ như: chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật (sử dụng những giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận, ứng dụng máy sạ hàng, kỹ thuật bón phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và quản lý dịch hại...) và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất đến bơm tưới, thu hoạch và sau thu hoạch; hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...

Sau ba năm triển khai thực hiện, mô hình đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, như số hộ dân tham gia vào mô hình tăng dần hằng năm; trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất của nông dân được nâng cao; việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng từng bước được hiện đại hóa; năng suất và chất lượng lúa gạo ngày càng được nâng lên, sản xuất mang lại hiệu quả cao... Cụ thể, mô hình ở huyện Tháp Mười, lượng lúa giống tiết kiệm bình quân 48 kg/ha, tương đương 203 nghìn đồng; lượng phân bón giảm mỗi ha gần 250 nghìn đồng; thuốc BVTV cũng giảm hơn 660 nghìn/ha; giá thành thấp hơn sản xuất bình thường khoảng 330 đồng/kg; lợi nhuận tăng so với sản xuất bình thường hơn hai triệu đồng/ha. Các mô hình ở địa phương khác cũng cho kết quả tương tự. Trong giai đoạn thí điểm này, một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh và Công ty CP BVTV An Giang bước đầu đã ký kết tiêu thụ với một số HTX được hơn 200 tấn lúa giống và gần 1.500 tấn lúa hàng hóa với giá cao hơn giá thị trường từ 100 đến 150 đồng/kg.

... đến "cánh đồng liên kết" Năm 2011, Đồng Tháp bắt đầu tổ chức hình thức cánh đồng "liên kết và tiêu thụ", đến nay, mô hình này có sự lan tỏa nhanh và mạnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, việc triển khai "cánh đồng liên kết" (CĐLK) đã có một số thay đổi trong nhận thức, và thuật ngữ "mẫu lớn" hay "liên kết" không chỉ khác nhau về cách nói. "Cánh đồng mẫu lớn" nhấn mạnh đến phương thức sản xuất, hướng đến quy mô sản xuất lớn.

Trong khi đó, CĐLK nhấn mạnh đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối "liên kết" giữa sản xuất với tiêu thụ; giữa người nông dân với DN và bao gồm quy mô sản xuất hàng hóa. Đây mới là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, không chỉ dựa trên quy mô lớn hay nhỏ.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nguyễn Thành Hưởng cho biết thêm: Từ khi chuyển sang mô hình liên kết, diện tích sản xuất lúa theo hợp đồng của nông dân Đồng Tháp tăng nhanh theo từng mùa vụ. Đến cuối năm 2013, diện tích CĐLK toàn tỉnh đã đạt 51 nghìn ha, tăng gần 300% so với năm 2012, được thực hiện ở chín trong số 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sản lượng lúa tiêu thụ gần 95 nghìn tấn, đạt 39% sản lượng cả năm của toàn tỉnh (3,31 triệu tấn).

Kế hoạch năm 2014, diện tích CĐLK sẽ tăng lên khoảng 80 nghìn ha, thực hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, từng bước hướng đến kết nối thị trường thông qua các DN trong sản xuất.

Hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã có nhiều DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX và đầu tư nhiều kho trữ, nhà máy xay xát, chế biến như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu, thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty CP BVTV An Giang, Công ty Cẩm Nguyên...

Chỉ riêng Công ty Võ Thị Thu Hà, đến nay đã xây dựng năm kho chuyên dùng với tổng sức chứa hơn 250 nghìn tấn gạo trên địa bàn. Đặc biệt, công ty đang xây dựng nhà máy sấy lúa, xay xát (công suất 1.000 tấn/ngày), lau bóng gạo và kho trữ gạo tại huyện Tam Nông, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2014. Trong năm 2013, công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu với tổng diện tích 7.500 ha.

Ở vụ lúa đông xuân 2013 -2014, công ty hợp đồng bao tiêu hơn 10 nghìn ha với giá thu mua lúa luôn cao hơn giá lúa thị trường cùng thời điểm 200 đồng/kg.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, CĐLK có những điều kiện nhất định về quy mô sản xuất, hệ thống hạ tầng và tính tương đối đồng nhất trong loại hình sản xuất. Vì vậy, xây dựng CĐLK phải phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương, không thể xây dựng theo mô hình chung, không thể mặc "đồng phục" cho tất cả CĐLK. Những nơi có diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, đan xen giữa lúa, màu, cây ngắn ngày và cây ăn trái phải khác với những nơi có hạ tầng đồng bộ, quy mô đồng ruộng lớn; ở những địa phương mà người nông dân trực tiếp canh tác trên chính mảnh ruộng của mình sẽ khác với những nơi người sản xuất thuê mướn đất. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển những diện tích sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Nhưng việc chuyển đổi này không thể tiếp tục làm theo kiểu cũ, là sản xuất ra hàng hóa rồi mới tìm thị trường để tiêu thụ, mà quy hoạch phải theo tín hiệu của thị trường.

Chính thị trường thông qua DN tiêu thụ sẽ quyết định chất lượng nông sản, quy mô và thời vụ sản xuất. Phải từng bước chuyển từ "quy hoạch sản xuất nông nghiệp" thành các "chương trình phát triển theo chuỗi giá trị từng loại nông sản".

Mở rộng liên kết các nông sản khác Song song với việc thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo, từ năm 2012 thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và triển khai thực hiện hai mô hình liên kết thí điểm với mặt hàng lúa gạo và ớt. Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp Nhị Văn Khải cho biết, đối với mặt hàng lúa gạo có hai mô hình là: "DN - HTX - hộ nông dân" và mô hình "DN - hộ nông dân". Ưu điểm của hai mô hình này là được nông dân rất đồng tình thông qua việc DN thu mua với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm; DN hỗ trợ cho HTX về chi phí quản lý, làm tăng uy tín cho chính cán bộ HTX; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố HTX làm ăn theo phương thức mới, sản xuất theo đơn đặt hàng của DN.

Bằng việc đầu tư về tín dụng (ứng trước vốn cho xã viên) giúp xã viên chủ động đầu tư về giống, vật tư nông nghiệp; các hợp đồng ký kết đều được xã viên thảo luận, thống nhất, tạo sự đồng thuận, gắn bó cao trong việc thực hiện liên kết, cụ thể là DN thu mua tại ruộng và mua giá cao hơn giá thị trường; gắn chặt giữa quy hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nhị Văn Khải, sắp tới, một số DN sẽ thực hiện hạch toán giá thành sản xuất lúa ngay từ đầu vụ, thỏa thuận và ký hợp đồng thu mua theo giá cố định tại thời điểm thu hoạch. Với phương thức này người nông dân biết trước được lợi nhuận của mình khi tham gia liên kết với DN và chính DN cũng biết được giá mua, từ đó xác định được giá xuất khẩu khi tham gia đàm phán với các đối tác nước ngoài...

Giám đốc Sở Công thương Nhị Văn Khải cho biết thêm, sau thời gian triển khai thực hiện chương trình liên kết hợp tác thương mại và đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh (tháng 8-2013), đến nay đã có hơn 16 hợp đồng thương mại và bản ghi nhớ hợp đồng đã được ký kết, thực hiện với nhiều mặt hàng khác ngoài lúa gạo như: gia súc, hạt sen, khô cá lóc Tràm Chim, xoài Cao Lãnh và nhiều mặt hàng chế biến nông sản. Hai sản phẩm nông nghiệp khác là nhãn và cá điêu hồng cũng vừa được hợp đồng sản xuất và tiêu thụ.

NHỰT TRUNG