00:00 Số lượt truy cập: 3229457

Cánh đồng mẫu lớn ở Malaysia 

Được đăng : 03/11/2016

Chuẩn bị cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, Bộ NN-PTNT và các địa phương ở ĐBSCL đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Mô hình này đã và đang rất thành công ở Malaysia


QUY HOẠCH, THIẾT KẾ ĐỒNG RUỘNG TUYỆT VỜI

Cánh đồng chuyên trồng lúa đầu tiên chúng tôi được tham quan là cánh đồng của huyện Sekinchan thuộc tiểu bang Selangor, bang trù phú nhất của Malaysia, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 100 km về hướng Tây Bắc. Cánh đồng rộng khoảng 3.000 ha, phía tây giáp biển và phía đông là vườn quốc gia Malaysia. Tôi từng nghe nói về việc các xe du lịch có thể đi tận các khoảnh ruộng ở Nhật Bản nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt.

Chang Lee Liang, chủ một công ty nhỏ kinh doanh vật tư nông nghiệp, đối tác của Công ty Hóa Nông Hợp Trí, người hướng dẫn chúng tôi tham quan, chỉ vào căn hộ của một gia đình nông dân, nói: “90% gia đình nông dân ở đây có xe du lịch, nếu không có đường thì họ đi thăm ruộng bằng cái gì”. Cả 3.000 ha phẳng lỳ được chia thành hơn 2.000 mảnh ruộng, mỗi mảnh có chiều rộng trong khoảng từ 45-60 m, chiều dài 200 – 250 m, diện tích đúng 1,2 ha.

Ngăn cách giữa 2 thửa ruộng về chiều rộng là một mương tiêu nhỏ rộng 1,0 m và ngăn cách về chiều dài là một mương nổi cấp nước bằng bê tông, phía mỗi đầu bờ ruộng là mương tiêu chung rộng 4 m. Hai bên mương tiêu chung là đường giao thông, một đường được tráng nhựa nóng còn một đường rải cấp phối giành cho xe nông cơ các loại.

Khác với cánh đồng huyện Sekinchan, người trồng lúa phần lớn là người Malaysia gốc Hoa, cánh đồng kế bên thuộc huyện Karang của người Malaysia chính gốc. Cả 2 cánh đồng có diện tích rộng tương đương nhau, cùng kiểu quy hoạch thiết kế giống nhau đến từng chi tiết. Điều khác cơ bản là cánh đồng của huyện Sekinchan dùng để trồng lúa giống là chính, còn ở Karang sản xuất lúa thương phẩm.

CƠ GIỚI HÓA VÀ DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP TỐI ĐA

Gần như toàn bộ công việc nặng nhọc của nhà nông ở Malaysia đã không còn vì hầu hết đã có máy móc. Hai công việc mới được cơ giới hóa một nửa là phun thuốc và bón phân, phun thuốc thì đã có máy cao áp ở đầu bờ, người chỉ việc kéo dây và béc bơm để phun, còn bón phân cũng đã bước đầu dùng máy nhưng là máy đeo lưng nên hiệu suất vẫn không cao. Tuy nhiên hai công việc này một số nông dân Mã Lai đã thuê lao động từ Indonesia, Ấn Độ, với mức tiền công 30 Rin gít/ngày (khoảng 200.000 VND).

Các công việc chính như cày bừa, trang đất đã có máy nông cơ gắn theo máy cày công suất 90 sức ngựa, cấy hoàn toàn sử dụng máy cấy hãng Kobuta Nhật Bản công suất 4 ha/ca, việc lấy nước thì dễ dàng vì chỉ cần mở van, việc tiêu nước thì đã đặt van ở vị trí tự động (giống như thoát nước của các ao nuôi thủy sản). Đến thu hoạch thì có máy gặt đập liên hợp công suất lớn (hàm cắt rộng 3,8 m) của hãng New Holland, khi lúa hạt đã no bụng thì bơm lên chiếc ô tô tải có thùng được nối cao đợi sẵn đầu đường, chỉ sau 10 phút, chiếc xe tải đã bắt đầu bon bon chở lúa về kho của công ty mua lúa, người nông dân chẳng phải đụng tay vào việc gì ngoài việc giám sát.

Không phải người trồng lúa của Malaysia nào cũng tự sắm cho mình những máy nông cụ mà chỉ có những người có 10 ha trở lên máy sắm riêng, còn phần lớn họ thuê dịch vụ của những công ty tư nhân. Đây là những công ty nhỏ có văn phòng, trụ sở, kho tàng, bến bãi ngay tại cánh đồng và kinh doanh theo kiểu khép kín, từ cung ứng phân bón, thuốc BVTV đến dịch vụ canh tác, thu hoạch, mua bán lúa gạo, một số còn trở thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

NĂNG SUẤT VÀ HIỆU QUẢ CAO

Trong chuyến đi có nhiều nông dân trồng lúa giỏi của ĐBSCL, vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của nước ta. Tất cả nông dân đều thừa nhận ruộng của họ chưa lúc nào được như vậy – Chỉ cần nhìn mã lúa thì cũng đã biết chắc năng suất của họ cao hơn năng suất của chính những nông dân đó tới 2 tấn/ha/vụ.

Ông Trần Văn Cường, nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Trà Vinh tẩn mẩn đếm từng hạt lúa, bình quân có 160 hạt/bông, và trong 10 bông ngắt ngẫu nhiên không thấy một hạt lép nào. Khi được phỏng vấn, các nông dân Malaysia đều đưa ra con số giật mình – năng suất đều đạt từ 10 - 12 tấn/ha/vụ. Mỗi năm họ làm 2 vụ, như vậy mỗi ha của họ đạt trên 20 tấn/năm, có phần cao hơn tổng sản lượng 3 vụ/năm của ĐBSCL chúng ta.

 Năng suất cao mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn ta khi giá thành của họ tính bình quân cả năm chỉ khoảng 0,45 – 0,5 Rin gít/kg, tương đương 3.200  – 3.500 đồng tiền VN, trong lúc giá thành bình quân 3 vụ của ĐBSCL là 3.800 đồng/kg. Giá bán của họ khi chưa nhận trợ cấp của nhà nước là 1 Rin gít/kg tương đương 7.000 VND/kg. Thu nhập thực tế của người trồng lúa còn cao hơn con số trên bởi họ được nhà nước trợ cấp thêm 0,2 Rin gít/kg.

Tại sao năng suất và hiệu quả của họ lại có thể hơn ĐBSCL, một vùng đất nổi tiếng là được thiên nhiên ưu đãi cho nghề trồng lúa nước? Chính các nông dân sản xuất giỏi đã đưa ra những điểm ưu việt của họ hơn mình như sau:

- Đồng ruộng của họ bằng phẳng gần như tuyệt đối nên lúa đồng đều hơn, tưới nước và phân bón tiết kiệm hơn.

- Nhờ có kinh tưới riêng và kinh tiêu riêng nên chất lượng nước trên mặt ruộng luôn tốt hơn.

- Gần như tất cả các khâu làm lúa từ làm đất đến cấy đến thu hoạch đều được cơ giới hóa triệt để nên giá thành thấp hơn.

Cả cánh đồng chỉ làm mỗi 2 giống là MR 219 và MR 220. Giống lúa của họ có thời gian sinh trưởng 115 ngày, hạt dài trên 7 mm nên tiềm năng năng suất cao hơn (giống của ta chỉ xấp xỉ 100 ngày), đặc tính giống cũng tốt hơn khi thấy tỷ lệ lép gần như không đáng kể. Phần lớn các chủ ruộng đều là những nông dân có kiến thức, các nông dân trình độ kém hơn đều chọn con đường cho thuê ruộng với giá từ 7-10 triệu đồng/ha/vụ.

THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Điều bất ngờ nhất khi đến với Malaysia là chim nhiều vô kể và không sợ người. Quạ và sáo chiếm nhiều nhất, chúng không những sà xuống kiếm ăn quấn chân du khách ở quảng trường Thời Đại tại thủ đô Kuala Lumpur mà khi về các huyện xã thôn quê đàn chim cũng chỉ bay khi người đến gần khoảng 3 m. Mùa gặt, chúng theo các máy gặt đập liên hợp từng bầy dày đặc. Buổi đêm, chúng xếp thành dãy ngủ trên các đường dây điện, điện thoại mặc cho ánh đèn cao áp và xe cộ tấp nập ngay bên dưới.

Trên cánh đồng, nơi những mương tiêu có bông súng dại, nhiều cá búng nước, phần lớn là cá rô, cá chốt. Nông thôn của Malaysia cũng tương đối phát triển, phía bên huyện Sekinchan, nơi dân số gốc Hoa chiếm phần lớn thì làng xóm được quy hoạch, phát triển từ “ấp dân sinh” (China Villa) trước đây mỗi một nhà vườn có diện tích khoảng 1.000 m2, gần chợ, còn phía bên huyện Karang, dân số phần lớn là người Malaysia chính gốc thì dân cư phát triển theo tuyến bám đường giao thông như bên Việt Nam mình nhưng mật độ thưa thớt hơn và đều làm cách đường khoảng 20 m.

Cộng đồng người Malaysia có 3 dòng chính, dòng Malaysia chính gốc, dòng gốc Hoa và dòng gốc Ấn Độ. Bài trí nội thất, màu sắc của từng hộ gia đình 3 dòng tộc người này có khác nhau nhưng mô típ nhà sàn thấp, 4 mái đặc trưng của Malaysia vẫn là chủ yếu. Chúng tôi ghé thăm 3 gia đình, ông Gan be Peng gốc Hoa, ông Suppiah gốc Ấn và Mohd Toif gốc Malaysia. Tất cả đều trồng lúa từ 8 – 15 ha (kể cả ruộng thuê), tất cả đều có máy nông cụ riêng, xe du lịch bán tải Toyota đời mới và đều khá giả. Tất cả làng quê đều được phủ điện lưới, điện thoại, Internet và nước sinh hoạt từ nhà máy.