00:00 Số lượt truy cập: 3229928

Cây bưởi da xanh Phú Nhuận - Bến Tre vươn đến VietGAP 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian gần đây, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên rau, quả bước đầu được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, góp phần quảng bá và nâng cao uy tín, giá trị cho nông sản Việt Nam. Để tạo dựng thương hiệu, hướng đến sản xuất an toàn chất lượng, cây bưởi da xanh ở tổ 3, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre đang tiến dần đến thương hiệu VietGAP.


Xã Phú Nhuận có trên 75 ha diện tích đất trồng bưởi da xanh, ấp 3 có gần 32 ha, là ấp có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất xã. Cây bưởi da xanh nơi đây được đánh giá phát triển phù hợp, chất lượng tốt.

Đầu năm 2008, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre chọn ấp 3, xã Phú Nhuận để hỗ trợ nông dân sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. 20 hộ nông dân nơi đây được tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam và các cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn xây dựng quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Image
Ông Quyền trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Phú Nhuận. (Ảnh: CD)

Sau gần 3 năm thực hiện quy trình, nông dân trồng bưởi da xanh ấp 3 đã trang bị cho mình kiến thức sản xuất dựa trên các tiêu chí VietGAP như: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đường có 5 công đất trồng bưởi da xanh, cây được 13 năm tuổi, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Trước đây, khi cây bưởi ra trái, ông thấy để càng nhiều càng tốt và bón phân cho bưởi một cách tùy tiện. Nay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ông được trang bị kiến thức để trái bưởi phù hợp với tán cây, tốt nhất mỗi chùm chỉ để 1 trái bưởi nếu không cây sẽ bị suy kiệt.

Phải chọn giai đoạn bón phân phục sức, dùng phân hữu cơ, phân vi sinh, kích thích bưởi ra hoa, tỉa cành theo đúng kỹ thuật. Ông còn quan tâm bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc quá độc, vệ sinh môi trường trong khu vườn và ghi sổ nhật ký về những việc đã làm trên cây bưởi da xanh.

Cách sản xuất này cùng với giá bưởi ổn định ở mức cao như hiện nay, 5 công bưởi da xanh của ông Đường đem về cho ông nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Nói về những cái lợi do VietGAP đem đến, ông Đường cho biết: “Cái lợi của việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà nông dân chúng tôi thấy rất thiết thực là bảo vệ người tiêu dùng tránh bị ngộ độc, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo thói quen cho chúng tôi tránh việc sử dụng không đúng phân thuốc, xả rác bừa bãi có hại cho môi trường, biết cách bảo hộ, bảo vệ sức khỏe của bản thân mình”.

Đối với ông Nguyễn Văn Quyền, áp dụng sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP trên 7 công đất trồng bưởi da xanh của gia đình đã giúp ông có được lãi cao hơn vì tiết kiệm phân bón. Dịch bệnh trên cây bưởi giảm nhờ ông được hướng dẫn sử dụng nấm đối kháng Trichoderma tiêu diệt dịch hại. Ông chú ý đến sản xuất đảm bảo an toàn cho bản thân và người tiêu dùng.

Ông Quyền nói: “Chương trình VietGAP rất tốt vì an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu ra được bảo đảm có lợi cho nông dân, bảo đảm vấn đề giá cả và không bị tư thương ép giá, nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Người nông dân ở vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh chúng tôi rất phấn khởi và trân trọng những gì mà chương trình GAP đem đến”

20 hộ nông dân thực hiện sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở ấp 3 đã tham dự tập huấn sản xuất IPM 6 tháng và được cấp giấy chứng nhận “Sản xuất rau quả an toàn theo quy trình GAP”.

Theo kế hoạch, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 sẽ thẩm tra việc thực hiện sản xuất bưởi da xanh của các hộ dân này để công nhận sản xuất của bà con đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khi thương hiệu VietGAP được công nhận trên cây bưởi da xanh ở ấp 3, Phú Nhuận sẽ nhân rộng mô hình ra các ấp còn lại.

Ông Đoàn Hồng Vương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: “Từ mô hình sản xuất bưởi ở ấp 3, địa phương sẽ nhân điển hình rộng trong các ấp còn lại. Tới đây, chúng tôi sẽ chia ra nhiều tổ ở các ấp để đưa chương trình GAP này về các  tổ, nhằm tạo thương hiệu của trái bưởi da xanh thâm nhập được thị trường”.

1Được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là niềm vui đối với người dân trồng bưởi da xanh ấp 3 xã Phú Nhuận. Qua đó tác động đến bà con nông dân sản xuất nông nghiệp ở Bến Tre quan tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, đảm bảo hiệu quả lâu bền và đạt lợi nhuận cao.