00:00 Số lượt truy cập: 3235020

Cây cao-su tiểu điền ở Kon Tum 

Được đăng : 03/11/2016

Phát triển cao-su tiểu điền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình kinh tế trang trại, sản xuất nông sản hàng hoá, làm động lực thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững ở khu vực nông thôn của tỉnh Kon Tum.


Ðến cuối năm 2008, tỉnh Kon Tum vẫn còn 24,97% số hộ nghèo, với khoảng 22.120 hộ, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 19.717 hộ. Ðể thực hiện được mục tiêu hằng năm hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo xuống từ 3-4%, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất vay để phát triển cao-su tiểu điền đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao-su trong vùng quy hoạch phát triển cao-su tiểu điền được đánh giá là giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo một cách bền vững.

Tuy nhiên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối tượng nghèo thì việc phát triển cao-su tiểu điền còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tập quán canh tác, thiếu kiến thức về kỹ thuật, điều kiện kinh tế khó khăn đã làm cho nhân dân chưa mạnh dạn đầu tư vào trồng cao-su. Trong lúc cây cao-su là một loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Tính đến năm 2008, tỉnh Kon Tum có 31.748 ha cao-su, trong đó có hơn 15.000 ha là cao-su tiểu điền. Ðể đạt được mục tiêu phát triển được 26.000 ha cao-su tiểu điền trên địa bàn vào năm 2015, hiện nay tỉnh đã đưa vào kế hoạch trồng mới 1.835 ha cho đối tượng nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ chế hỗ trợ của Dự án Ða dạng hóa nông nghiệp giai đoạn II. Còn lại hơn 9.100 ha sẽ được thực hiện từ ngân sách hỗ trợ của địa phương.

Ðề án chính sách hỗ trợ kinh phí để phát triển cao-su tiểu điền đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao-su trong vùng quy hoạch đã được HÐND tỉnh Kon Tum phê duyệt với mức cho vay được xác định là 20 triệu đồng/hộ. Thời gian vay là sáu năm, lãi suất 0,65%/tháng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vay.

Trên cơ sở đánh giá tình hình hộ nghèo và số hộ đăng ký trồng mới cao-su tiểu điền của các địa phương trong vùng quy hoạch, số hộ được đưa vào chính sách hỗ trợ là 9.090 hộ, trên địa bàn thị xã Kon Tum, huyện Sa Thầy, Ðác Hà, Ðác Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi và ba xã phía nam huyện Ðác Glây là Ðác Long, Ðác Môn và Ðác Kroong. Tổng kinh phí cho vay là 181 tỷ 800 triệu đồng, được huy động từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Diện tích hỗ trợ cho một hộ tối thiểu là 0,5 ha trở lên và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ðể được vay vốn, các hộ làm đơn đăng ký kế hoạch trồng cao-su và đề nghị hỗ trợ kinh phí nộp cho trưởng thôn. Các thôn tiến hành họp bình xét một cách công khai, dân chủ; những hộ nghèo, khó khăn hơn được ưu tiên hỗ trợ trước.

Ðể bảo đảm nguồn vốn trồng, chăm sóc cao-su trong thời gian kiến thiết cơ bản, các hộ trồng cao-su chỉ được vay vốn theo từng năm, tương ứng với số tiền đầu tư chăm sóc trên diện tích đăng ký được duyệt. Công tác quản lý được thực hiện thông qua sự giám sát của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

Theo quy định, việc cho vay để trồng và phát triển cao-su được thực hiện trong khoảng thời gian tối đa là 10 năm, phải thu hồi vốn xong. Do đó từ năm thứ bảy đến năm thứ 10, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ thu hồi vốn gốc và lãi phát sinh, bình quân mỗi năm là năm triệu đồng tiền gốc và lãi phát sinh của số tiền gốc còn lại. Chủ trương này bắt đầu được thực hiện từ năm 2009.

Hiện tại UBND các xã trong vùng quy hoạch Dự án đang tiến hành rà soát, thống kê diện tích đất của từng hộ gia đình, phối hợp với Phòng Tài nguyên-Môi trường hướng dẫn nhân dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi thời hạn cho thuê đất phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây cao-su. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, giới thiệu tuyển chọn các nguồn giống cao-su phù hợp để các địa phương triển khai thực hiện.

Hiện nay Kon Tum là tỉnh có diện tích cao-su tiểu điền lớn nhất so với các tỉnh Tây Nguyên. Thực hiện tốt Ðề án hỗ trợ lãi suất vay cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao-su tiểu điền, không những tỉnh Kon Tum đạt được mục tiêu phát triển 70.000 ha cao-su trên địa bàn tỉnh vào năm 2015 như Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh đề ra, làm động lực thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững ở khu vực nông thôn, tạo sự ổn định lâu dài về quyền sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.