00:00 Số lượt truy cập: 2679613

Cây dong riềng ở Bình Liêu 

Được đăng : 03/11/2016

Từ lâu miến dong Bình Liêu đã nổi tiếng. Miền đất rẻo cao này có chất vi lượng và vùng tiểu khí hậu phù hợp, cho phép trồng dong riềng trên diện rộng với chất lượng cao.


 

Năm 2007 trong Hội chợ hàng tiêu dùng toàn quốc tại Hà Nội, miến dong Bình Liêu là 1 trong 2 sản phẩm của Quảng Ninh được trao tặng Huy chương vàng về chất lượng. Vậy hiện nay cây dong riềng Bình Liêu có vị trí thế nào trong cơ cấu cây trồng?


Thu mua dong riềng.

Nghề làm miến dong ở Bình Liêu có từ năm 1975 khi ông Lục Cẩm Thình du nhập phát triển nghề này ở xã Hoành Mô rồi dần lan rộng đến các xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc… Song cây dong riềng chiếm vị trí quan trọng, có diện tích trồng rộng nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay lại là ở xã Húc Động. Nhiều hộ dân ở xã này đã xoá đói giảm nghèo từ cây dong riềng, vì thế tại đây từ lâu đã hình thành làng nghề chế biến miến dong tập trung có quy mô lớn nhất huyện. Theo con đường núi ngoằn ngoèo dài 12km bám dọc sông, chúng tôi đến với xã Húc Động. Chính con sông này đã tạo nên độ ẩm ướt cho một diện tích khá lớn đất vùng thấp của xã, tạo nên điều kiện phát triển thuận lợn cho cây dong riềng. Ông Trần Minh, Chủ tịch UBND xã Húc Động cho biết, những vụ gần đây các bản Mã Túc, Nà Ích đã chuyển đổi một phần đất nông nghiệp cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Đến nay diện tích dong riềng toàn xã lên đến 65 ha tập trung ở các thôn Lục Gù, Pò Lán, Thành Thìn…. Là cây xoá đói giảm nghèo và gần đây giúp khá nhiều hộ làm giàu có hiệu quả, song diện tích trồng dong riềng ở Húc Động không thể nâng lên bởi với đất rừng trên cao loại cây này không sống tốt. Cả năm dong riềng chỉ cho thu hoạch một lần. Những năm trước, đầu ra của miến dong có khi bị ách tắc… Đến Húc Động trong các khu dân cư, bắt gặp cây dong riềng trồng thật nhiều. Tất cả những mảnh đất cưỡng ven suối, gần nhà đều được người dân tận dụng để trồng. Năng suất và sản lượng thu hoạch cây dong riềng ở Húc Động cao nhất huyện, một số thửa đất đạt đến 35 tấn/ha. Diện tích trồng của một số nhà cao nhất khoảng 2.000 đến 3.000m2 còn lại chỉ khoảng dăm bảy trăm mét… Làng nghề làm miến dong ở xã có 40 hộ. Một số gia đình xây được nhà nhờ việc trồng, chế biến và kinh doanh miến dong. Gần đây những ngôi nhà kiên cố cao tầng đã mọc lên khá nhanh ở thôn Lục Gù (trung tâm Húc Động), toàn là của “dân dong riềng”. Đó là gia đình các ông Trần Văn Nghiệp, Lù A Chiu, Trần Văn Khâm, Trần Thị Thâu... Ông Trần A Nhìn ngoài xây nhà to còn mua được ô tô để vận chuyển những sản phẩm dong riềng. Húc Động có 4 gia đình đầu tư lớn để chế biến củ thành miến với mức 70 triệu đồng/xưởng. Trong đó các thiết bị chính như mô tơ chạy điện, máy rửa củ, máy trang, máy cắt thái miến và các bồn, bể ngâm bột… Ngoài ra các hộ gia đình trong làng nghề đều có thể tự làm miến tại nhà, cứ 12kg củ sẽ chế biến được 1kg miến. Hiện nay giá bán là 85.000 đồng/kg miến dong song không có mà mua. Đó là do cả năm dong riềng thu hoạch vào tháng mười một âm lịch. Chở củ về nhà là dân mê vào làm miến bán trong dịp tết, thường là hết sạch.

Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng là khá lớn, nhưng có nhiều yếu tố kìm hãm cây dong không phát triển mạnh được. Đó là quỹ đất có độ ẩm cao của Bình Liêu không còn nhiều; giá củ dong thấp (2.000 đồng/kg) nên dân không hào hứng. Đất chuyên canh cây dong riêng chỉ sau 3 năm là bạc màu, sản lượng bị giảm nên việc đầu tư các loại phân bón phù hợp cũng tác động đến tâm lý người trồng. Vì chưa chiếm được ưu thế tuyệt đối lên các hộ dân chưa chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng loại cây này. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu cho biết, năm cao điểm toàn huyện mở rộng diện tích trồng dong riềng để làm miến lên 207 ha, nay chỉ còn 197 ha. Năm 2008 huyện có chủ trương phục hồi và phát triển cây dong riềng nên mỗi gia đình trong vùng dự án được hỗ trợ 80kg giống và khối lượng phân bón phù hợp. Sang năm 2011 những hộ trồng dong riềng có diện tích 1.000m2 sẽ được hỗ trợ tất cả củ giống (khoảng 3 tấn) và được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng chống sâu bệnh cho cây.

Tuy nhiên, còn một điều quyết định đến thương hiệu miến dong của Bình Liêu đó là vấn đề giống. Việc đưa giống dong riềng mới vào trồng sẽ góp phần nâng cao sản lượng từ 33 tấn/ha lên 90 tấn/ha (một số tỉnh đồng bằng đạt 120 tấn/ha). Có thể đi liền với sản lượng cao của loại giống mới, chất lượng miến dong của Bình Liêu sẽ không còn được như ý, bởi lẽ loại dong bản địa khi làm ra miến sẽ có màu tím nhẹ, ninh lâu không nhừ… Hiện nay vì năng suất không cao, loại cây dong địa phương bị thu hẹp diện tích, các hộ gia đình chỉ còn trồng vài gốc và làm ra ít miến cho gia đình và tặng bà con thân thuộc.