“Thay máu" cây trồng
Giờ đây, đến Liên Mạc có thể dễ dàng nhận ra sự giàu có của vùng quê này với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát cùng cánh đồng ổi bạt ngàn. Khó có thể hình dung, chỉ trong mấy năm, cây ổi đã giúp Liên Mạc thay da, đổi thịt. Từ khi người dân triển khai trồng ổi trên diện rộng, loại cây này không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Trước đây, nhắc đến huyện Thanh Hà, người ta nghĩ ngay cây trồng chủ đạo là vải. Liên Mạc cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn. Đã có thời, cây vải giúp người dân nơi đây thoát đói nghèo. Tuy nhiên, thời gian sau vải rớt giá khiến bà con lao đao. Một số hộ dân đã lên Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lấy giống ổi về trồng thí điểm. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây này, chính quyền địa phương đã mời cán bộ của Viện về hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời triển khai ra diện rộng.
Ông Tiêu Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết: “Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã là 480ha, trong đó có tới 350ha trồng ổi. Năm 2008, toàn xã thu được 3.215 tấn ổi, giá bán trung bình 6.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu hơn 19 tỷ đồng”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích ổi bằng cách đấu thầu ruộng, mua lại đất vườn để trồng với quy mô lớn. Nhờ vậy, trong năm 2008, xã đã có hơn 30 hộ thu lãi 100 triệu đồng/năm từ ổi, như anh Nguyễn Duy Chương ở thôn Mạc Thủ 2, anh Lưu Văn Mạnh ở thôn Tiêu Xá...
Anh Đào Xuân Đán ở thôn Văn Mạc chia sẻ: “So với trồng vải, lúa thì trồng ổi cho lợi nhuận cao hơn. Cây ổi nhanh cho thu hoạch, cứ khoảng 5 tháng sẽ cho bán 1 lứa. Giá ổi tương đối ổn định, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết, có khi đạt 11.000 - 12.000 đồng/kg”.
Với 1,3 mẫu ổi (1 mẫu = 3.600m2), năm 2008, gia đình anh Đán thu hoạch được 16 tấn quả. Trừ chi phí, anh thu lãi gần 100 triệu đồng.
Áp dụng công nghệ sinh học
Theo ông Phạm Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã: “Những năm gần đây, nhiều nông dân đã mày mò điều chỉnh cho ổi ra quả trái vụ nên đạt hiệu quả kinh tế rất cao”.
Mặc dù vậy, theo người dân nơi đây, cây ổi cũng rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là dịch ruồi vàng. Trong 2 năm (2005 - 2006) dịch ruồi vàng hoành hành, nhà vườn loay hoay không biết diệt trừ thế nào nên sản lượng ổi trái vụ giảm khoảng 30% khiến nhiều hộ trắng tay. Trước tình hình đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu, hướng dẫn bà con dùng bả prôtêin để diệt ruồi vàng.
Bằng công nghệ sinh học, dịch ruồi vàng được diệt trừ, qua đó, nông dân Liên Mạc đã đúc rút kinh nghiệm, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tránh phun thuốc trừ sâu lên quả ổi. Nếu như trước đây, bà con dùng túi nylon để bọc trái chỉ để tránh sương mai gây rám ổi, quả ổi cũng chỉ được bọc khi đã to thì nay ổi mới chỉ bằng đầu ngón tay, người dân đã bao trái. Do đó, trong suốt quá trình phát triển, tất cả các loại thuốc trừ sâu được phun lên cây đều không thể xâm nhập vào quả nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo ông Tiến, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện chuyển đổi vùng trũng không thuận lợi thâm canh cây vải sang trồng ổi, đồng thời mở nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Phấn đấu năm 2009, toàn xã sẽ đạt doanh thu khoảng 21 tỷ đồng từ ổi.