Chân Sơn (Tuyên Quang): Khai thác lợi thế ao, hồ để phát triển thủy sản
Được đăng : 03/11/2016
Những năm gần đây diện tích nuôi thuỷ sản của xã Chân Sơn (Yên Sơn - Tuyên Quang) không ngừng được mở rộng, góp phần vào việc chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm cho người dân nơi đây.
Đồng chí Phạm Đăng Định - Chủ tịch UBND xã Chân Sơn cho biết, với lợi thế là xã nằm giáp ranh với công trình thuỷ lợi hồ Ngòi Là, 1 số thôn bản của Chân Sơn tận dụng các nhánh của công trình này như thôn Ngòi Là 1, Ngòi Là 2, thôn Tân Sơn để nuôi trồng thuỷ sản. Hiện toàn xã có hơn 30 ha mặt nước được khai thác đưa vào nuôi trồng thuỷ sản.
Thôn Tân Sơn, một trong những thôn có diện tích thuỷ sản lớn, ông Đào Xuân Trường, Phó trưởng thôn cho biết: Tân Sơn là thôn có truyền thống về đào ao thả cá. Thôn có 53 hộ gia đình, thì chỉ có 1 hộ gia đình không có ao, còn lại mỗi hộ gia đình đều có ít nhất vài trăm mét vuông đến hơn 1 ha ao cá. Gia đình ông Phạm Đình Điệm có diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 1,5 ha cho biết, nhận thấy giá trị của nhánh công trình hồ thuỷ lợi Ngòi Là ngay sát nhà, ông bỏ tiền tu bổ, cải tạo nhánh, hình thành ao nuôi các loại cá truyền thống như trắm, chép... Nhờ nỗ lực lao động, cộng với sự hướng dẫn tận tình từ các cán bộ khuyến nông xã, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 30 triệu đồng. Từ đào ao thả cá, nhiều hộ gia đình ở Chân Sơn cũng đã vươn lên đời sống kinh tế khá giả như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lụa; anh Phạm Sỹ Tuyên; anh Phạm Ngọc Hà, ông Đào Xuân Trường.
Ông Trường cho biết, gia đình ông hiện có 2 ao, mỗi ao rộng hơn 2 sào thả cá trắm. Những năm trước đây, khi chưa được tiếp cận với khoa học kỹ thuật cũng như phương thức chăn nuôi mới, gia đình ông nuôi cá theo phương thức truyền thống, tức là chăn nuôi chủ yếu bằng các loại lá cây và phân chuồng, hàng năm dù bỏ rất nhiều công sức nhưng 4 sào ao gia đình ông cũng chỉ cho thu nhập 1 lần, mỗi lần trên dưới 15 triệu đồng. Thời gian gần đây, khi trên thị trường xuất hiện các loại thức ăn công nghiệp, gia đình ông Trường là hộ gia đình đầu tiên thực hiện thí điểm nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp kết hợp các loại thực vật như cỏ, lá sắn, lá tre... Từ khi chuyển sang chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mỗi năm 4 sào cá gia đình ông cho thu hoạch 2 lần, mỗi lần từ 1,2 đến 1,3 tấn cá, trừ chi phí cũng có lãi gần 30 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Đăng Định khẳng định: Thời gian tới đây, xã tiếp tục duy trì diện tích thuỷ sản hiện có, bên cạnh các giống cá truyền thống, xã tiếp tục nghiên cứu và đưa thêm một số giống cá mới cho năng suất chất lượng và giá thành cao như cá rô phi đơn tính vào nuôi đại trà.